Hình thức tập thể dục giúp người cao tuổi cải thiện chức năng não bộ

Tập thể dục cường độ cao ngắt quãng đem lại lợi ích to lớn với người cao tuổi

Cách bài trí nhà cửa tạo sự thoải mái cho người sa sút trí tuệ

3 yếu tố giúp kiểm soát nguy cơ sa sút trí tuệ

Những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh sa sút trí tuệ

3 thực phẩm tốt cho trí não, ngăn ngừa sa sút trí tuệ

Đây là kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lão hóa và Bệnh tật (Aging and Disease) với sự tham gia của gần 200 người khỏe mạnh ở độ tuổi 65-85. Trong những công trình nghiên cứu tiền lâm sàng trước đó, Giáo sư Perry Bartlett và TS. Daniel Blackmore đến từ Viện Não, Đại học Queensland (Australia) - những người đứng đầu nghiên cứu, đã phát hiện ra rằng, tập thể dục có thể kích hoạt các tế bào gốc tăng sản sinh ra neuron tại hồi hải mã - vùng não đảm nhiệm chức năng ghi nhớ.

Để tìm hiểu về lợi ích của việc tập thể dục với người cao tuổi, các nhà khoa học đã thiết kế chương trình tập thể dục kéo dài 6 tháng. Người tham gia được kiểm tra chức năng nhận thức, đánh giá chỉ số sinh học cũng như chụp quét não độ phân giải cao.

GS. Perry Bartlett và TS Daniel Blackmore là hai tác giả chính của nghiên cứu - Ảnh: Đại học Queensland

GS. Perry Bartlett và TS Daniel Blackmore là hai tác giả chính của nghiên cứu - Ảnh: Đại học Queensland

Trong suốt nghiên cứu, người cao tuổi được chia làm 3 nhóm với các cường độ tập luyện khác nhau:

- Nhóm 1 tập luyện cường độ thấp: Người tham gia tập 5-8 động tác giãn cơ, tập thăng bằng, cải thiện biên độ cử động và thư giãn trong vòng 45 phút.

- Nhóm 2 tập luyện ở cường độ trung bình: Người tham gia sẽ đi bộ trên máy tập liên tục trong 30 phút, giữ nhịp tim ở mức 60-75% nhịp tim tối đa.

- Nhóm 3 tập cường độ cao ngắt quãng: Bài tập được chia làm 4 chu kỳ. Trong mỗi chu kỳ, người tham gia đi bộ 4 phút ở mức 85-95% nhịp tim tối đa, sau đó có 3 phút phục hồi bằng cách đi bộ ở mức 60-70% nhịp tim tối đa.

Khi đi bộ, người cao tuổi được tùy chỉnh tốc độ hoặc độ dốc của máy sao cho duy trì được mục tiêu nhịp tim nói trên. Mỗi buổi tập đều bắt đầu bằng 10 phút khởi động, làm nóng cơ bắp và kết thúc bằng 5 phút thả lỏng, giãn cơ.

Trong suốt quá trình tập, có các chuyên gia về sinh lý học – thể dục thể thao hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho người cao tuổi. Do đó, nghiên cứu chỉ ghi nhận 1 trường hợp ở nhóm 1 bị đau tim (xảy ra tại nhà) và 1 trường hợp ở nhóm 3 bị chấn thương khớp gối.

Sau 6 tháng tập luyện, kết quả kiểm tra cho thấy, nhóm người tập thể dục cường độ cao ngắt quãng có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc và liên kết tại hồi hải mã. TS. Blackmore lý giải, đây là vùng não đảm nhiệm chức năng học tập và ghi nhớ. Tập thể dục cường độ cao ngắt quãng còn giúp ngăn ngừa suy giảm thể tích một số vùng não nhất định. Các chỉ số sinh học trong máu của nhóm này cũng cho thấy chức năng nhận thức của não bộ cải thiện trông thấy.

Tập thể dục cường độ cao ngắt quãng với máy chạy bộ giúp cải thiện chức năng não bộ

Tập thể dục cường độ cao ngắt quãng với máy chạy bộ giúp cải thiện chức năng não bộ

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn phát hiện, lợi ích mà chương trình tập luyện cường độ cao ngắt quãng mang lại có thể kéo dài tới 5 năm sau thử nghiệm, ngay cả khi người cao tuổi không còn giữ thói quen này. GS. Bartlett nhận định: “6 tháng tập luyện cường độ cao ngắt quãng là đủ để tạo ra sự thay đổi tích cực với người tham gia”.

Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra sa sút trí tuệ. Ước tính cứ 3 người ngoài 85 tuổi sẽ có 1 người mắc chứng bệnh này. Kết quả nghiên cứu này mở ra hy vọng, biện pháp can thiệp đơn giản như tập thể dục có thể giúp thay đổi tiến trình lão hóa, giữ não bộ khỏe mạnh lâu dài, từ đó ngăn ngừa gánh nặng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ tuổi già.

Một trong những hạn chế của nghiên cứu này là được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Tại nhà, người cao tuổi dù khỏe mạnh cũng khó có thể duy trì mức độ tập luyện cao theo tiêu chuẩn trên. Ngoài đi bộ, còn có nhiều bài tập như dùng máy đạp xe trong nhà, tập rowing với máy (mô phỏng bộ môn chèo thuyền) có thể tập với hình thức cường độ cao ngắt quãng và áp dụng vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.  

 
Quỳnh Trang (Theo Scitech Daily)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già