10 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn cần vận động nhiều hơn

Duy trì thói quen vận động mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần

Hiểm họa từ “bệnh” lười vận động

Hoạt động thể chất và bệnh đái tháo đường: Vượt qua thử thách thời tiết

6 lối sống tăng nguy cơ vô sinh

Bài tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe não bộ và trí nhớ

1. Tăng cân

Cân nặng tăng liên tục là một trong những dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất cho thấy cơ thể bạn cần vận động nhiều hơn. Lý do là bởi khi bạn không vận động, bạn đốt cháy ít calo hơn và điều này có thể dẫn đến tăng cân.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc lồng ghép các bài tập vận động nhỏ trong ngày (ví dụ như đi bộ nhanh, leo thang bộ, đi bộ đi làm…) vào thói quen hàng ngày thì đây chính là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu.

2. Mất khối lượng cơ bắp và sức mạnh

Việc không duy trì thói quen vận động có thể dẫn đến mất cơ, gây ra tình trạng giảm khả năng vận động và suy nhược. Điều này có thể dẫn đến kết cấu cơ thể xấu đi, thậm chí, bạn có thể thấy khó thực hiện mọi việc hơn hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

3. Các khớp của bạn bị cứng

Việc ngồi gù lưng trước máy tính hoặc nằm trên ghế trong thời gian dài mà không vận động có thể khiến các khớp của bạn bị nhức mỏi và cứng lại. Lúc này, bạn nên tạo thói quen kéo giãn cơ. Thực hiện các động tác giãn cơ khác nhau có thể giúp bôi trơn các khớp và hỗ trợ tăng cường và duy trì biên độ hoạt động của bạn.

4. Lưu thông máu kém

Ngồi hoặc đứng một tư thế quá lâu có thể làm cản trở lưu thông máu, dẫn đến tình trạng chân tay lạnh hoặc chân bị sưng. Khi lưu thông máu bị chậm lại do ngồi quá nhiều, máu sẽ đọng lại ở chân và bàn chân, điều này về cơ bản làm giảm lưu lượng máu tổng thể. Đây là điều đáng lo ngại đối với những người bị đau dây thần kinh vì lượng oxy và chất dinh dưỡng mà họ nhận được từ lưu lượng máu bình thường sẽ bị giảm.

5. Mức năng lượng thấp

Mức năng lượng thấp là một dấu hiệu khác cho thấy bạn cần phải đứng dậy và vận động. Nếu bạn cảm thấy quá eo hẹp về thời gian trong ngày làm việc, hãy cân nhắc đi bộ nhanh hoặc chạy bộ khi thức dậy hoặc sau khi hoàn thành công việc. Bạn có thể đặt báo thức sớm hơn một chút và bắt đầu ngày mới với các bài tập buổi sáng hiệu quả, giúp bạn tràn đầy năng lượng cho cả ngày.

6. Bạn đang trải qua sự thay đổi tâm trạng

Tập thể dục giúp giải phóng endorphin (một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau...), giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo lắng, chán nản. Nhiều nghiên cứu cho thấy thay đổi tâm trạng và triệu chứng trầm cảm có thể là kết quả của việc thiếu vận động (cùng với việc thiếu năng lượng và các vấn đề về giấc ngủ).

7. Ngủ không ngon giấc

Vận động thường xuyên có thể giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, nếu bạn thấy mình khó ngủ hoặc trằn trọc cả đêm, thì thiếu hoạt động thể chất có thể là nguyên nhân.

8. Có vấn đề về tiêu hóa

Thiếu vận động có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi, táo bón và các vấn đề về đường tiêu hóa khác.

9. Tư thế xấu

Ít vận động, ngồi gập người trên bàn cả ngày có thể dẫn đến sai tư thế, đau lưng và mất cân bằng cơ bắp. Tuy nhiên, tham gia vào các bài tập cốt lõi để làm săn chắc và tăng cường sức mạnh cho phần cơ lõi có thể giúp cải thiện tư thế và tránh những tác hại của việc ngồi quá nhiều.

10. Nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn

Một lối sống ít vận động có thể dẫn đến việc phát triển một số bệnh mạn tính chẳng hạn ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ...

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải vận động nhiều hơn. Hãy thử tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Bạn có thể chia nhỏ hoạt động thành các khoảng thời gian ngắn hơn trong ngày, chẳng hạn như đi bộ 3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.

 
Việt An (Theo Eat This, Not That)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp