5 loại bột tốt cho sức khỏe hơn bột mì

Bột làm bánh từ hạnh nhân, quinoa có thể thay thế bột mì đa dụng

Vì sao bột hạnh nhân đang dần thay thế cho bột mì trong các công thức nấu ăn?

Không ăn được bột mì, đã có 6 loại bột này thay thế

Thu hồi bột mì nhiễm khuẩn salmonella

Top 5 loại ngũ cốc ăn sáng ít đường, ít tinh bột, giàu protein

Bột mì đa dụng là nguyên liệu phổ biến trong mọi căn bếp, nhưng quá trình tinh chế khiến bột mất nhiều chất dinh dưỡng từ lớp vỏ cám. Một số loại bột sau không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể thay thế bột mì trong nhiều món ăn.

Bột cơm dừa 

Bột cơm dừa được sản xuất bằng cách xay nhuyễn cơm dừa thành bột mịn, sau đó sấy để có được thành phẩm là bột khô và bảo quản được lâu. Bột cơm dừa không chứa gluten, giàu chất xơ, sắt, kali và đặc biệt là chất béo.

Hầu hết chất béo trong cơm dừa là chất béo bão hòa và chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT). MCT hấp thu nhanh qua đường ruột, có khả năng giảm viêm và tăng cường trao đổi chất lành mạnh. Dù còn nhiều tranh cãi về tác dụng của chất béo bão hòa, chất béo của dừa không ảnh hưởng đến cơ thể như chất béo từ thịt hay đồ ăn nhanh.

Bột cơm dừa sấy khô chứa chất béo tốt cho sức khỏe

Bột cơm dừa có vị ngọt dịu và mùi thơm, thích hợp để làm các món bánh nướng, bánh quy, làm nhân bánh. Đặc tính của bột này là hút nhiều nước, do đó bạn nên điều chỉnh lượng nước phù hợp khi nấu ăn. Tại Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất được sản phẩm bột cơm dừa sấy khô.

Bột hạnh nhân, bột diêm mạch, kiều mạch, bột mì nguyên cám được bán tại nhiều cửa hàng nguyên liệu làm bánh như Beemart, Nhất Hương tại các thành phố lớn hoặc trên các trang thương mại điện tử.

Bột hạnh nhân

Bột hạnh nhân được làm từ hạt cách xay mịn hạt hạnh nhân đã được ngâm, tách lớp vỏ giấy. Loại bột này không chứa gluten và đem lại nhiều lợi ích dinh dưỡng tương tự hạt hạnh nhân.

Bột hạnh nhân giàu calorie và là nguồn magne, omega-3, protein và vitamin E dồi dào. Các chất dinh dưỡng này có lợi cho huyết áp và não bộ.

Bột hạnh nhân có hương vị của hạt và có thể dùng thay bột mì ở tỉ lệ tương đương khi nướng bánh quy, bánh macaron và các các món mặn.

Bột diêm mạch (quinoa)

Bột diêm mạch tạo độ ẩm cho các món bánh nướng

Hạt quinoa còn được gọi là diêm mạch, thường được sử dụng như ngũ cốc nguyên hạt bởi giá trị dinh dưỡng của nó. Khi xay thành bột, diêm mạch giàu protein, chất xơ, sắt và chất béo không bão hòa. 

Ngoài ra, bột diêm mạch còn có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ giảm cân. Bột diêm mạch giúp các món bánh nướng mềm và có độ ẩm vừa phải, tạo độ đặc cho các món soup, nước sốt.

Bột kiều mạch (buckwheat)

Cây kiều mạch còn được gọi là tam giác mạch, cho loại hạt nhiều góc cạnh và không chứa gluten. Bột kiều mạch có mùi thơm đặc trưng và thường được dùng để làm mì soba truyền thống của Nhật Bản.

Bột kiều mạch (tam giác mạch) có thể dùng làm mì soba

Bột kiều mạch giàu chất xơ, protein và các vi chất như mangan, magne, đồng, sắt. Hạt và bột kiều mạch có nhiều công dụng với sức khỏe như chống viêm, ngăn ngừa ung thư, tốt cho giảm cân và hỗ trợ tiêu hóa.

Bột kiều mạch có thể kết hợp với các loại bột ngũ cốc nguyên hạt khác để làm bánh mì hoặc thay cho bột chiên xù (làm từ vụn bánh mì trắng).

Bột mì nguyên cám

Bột mì nguyên cám được sản xuất từ nguyên hạt lúa mì còn phôi và vỏ cám. Bột mì tinh chế thường có quá trình tẩy trắng, bỏ lớp vỏ cám, do đó có màu sắc đẹp và tạo độ nở nhiều hơn. Dù có màu đậm và kết cấu nặng hơn, bột mì nguyên cám lại chứa nhiều dinh dưỡng hơn hẳn. 

Bột mì nguyên cám chứa nhiều chất xơ, protein, sắt và kali. Các món bánh mì đen, bánh ngọt làm từ bột mì nguyên cám không thích hợp với người dị ứng, không dung nạp gluten.

 

Quỳnh Trang H+ (Theo Healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng