COP29: Thỏa thuận 300 tỷ USD và tín chỉ carbon toàn cầu

Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev phát biểu trong phiên họp toàn thể bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu (COP29), ngày 24/11 - Ảnh: Reuters.

COP28: Gần 200 nước thông qua thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch

COP28 "nóng" vì nhiên liệu hóa thạch

COP28: Những kỳ vọng của thế giới về giải quyết khủng hoảng khí hậu

Vì sao Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu như một vấn đề sức khỏe toàn cầu?

Thỏa thuận mới này nhằm thay thế cam kết trước đây của các quốc gia phát triển là cung cấp khoản tài chính khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia nghèo hơn vào năm 2020. Mục tiêu đó đã đạt được muộn hơn sau 2 năm, vào năm 2022 và hết hạn vào năm 2025.

Thỏa thuận lịch sử tại COP29 đã bị các quốc gia đang phát triển chỉ trích bởi con số "quá nghèo nàn" và họ gọi đó là "không đủ", nhưng Giám đốc khí hậu của Liên Hợp Quốc Simon Steill vẫn hoanh nghênh kết quả này như là "một chính sách bảo hiểm cho nhân loại".

"Đây là một hành trình khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ duy trì sự bùng nổ năng lượng sạch và bảo vệ hàng tỷ sinh mạng. Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ giúp tất cả các quốc gia cùng chia sẻ những lợi ích to lớn của hành động táo bạo vì khí hậu: nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn, năng lượng rẻ hơn và sạch hơn cho tất cả mọi người" - Ông Simon Steill, Giám đốc khí hậu của Liên Hợp Quốc chia sẻ trên CNBC.

"Nhưng giống như bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào, nó chỉ có hiệu quả nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn.” - Người đứng đầu về Khí hậu của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Hội nghị về khí hậu COP29 tại thủ đô Azerbaijan dự kiến ​​sẽ kết thúc vào ngày 22/11, nhưng đã kéo dài thêm 2 ngày vì các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia phải "vật lộn" để đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài trợ khí hậu trong thập kỷ tới.

Theo thỏa thuận mới, các quốc gia phát triển sẽ chi ít nhất 300 tỉ USD/năm trước năm 2035 để giúp các quốc gia phát triển xanh hóa nền kinh tế và chuẩn bị cho những thảm họa tồi tệ hơn. Số tiền tài trợ khí hậu này tăng thêm 200 tỷ USD so với con số 100 tỉ USD đã được cam kết nhiều năm trước đó nhưng vẫn được xem là quá ít để đối phó với với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay. Không ít các quốc gia đang phát triển đã chỉ trích thỏa thuận là quá thấp vì họ đã yêu cầu nhiều hơn thế, theo AFP.

Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, dù vẫn còn nhiều hạn chế song đây được xem là động lực cho các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu trong bối cảnh năm 2024 được cho là nóng nhất trong lịch sử, với tình trạng hạn hán, hỏa hoạn và bão gia tăng, gây thiệt hại chết người, gióng lên cảnh báo về sự khẩn cấp của việc bảo vệ môi trường. 

Hội nghị thượng đỉnh đã đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tranh luận về trách nhiệm tài chính của các quốc gia công nghiệp hóa, những quốc gia có lịch sử sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra phần lớn lượng khí thải nhà kính, để bồi thường cho những quốc gia khác về những thiệt hại ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.

COP29 cũng phơi bày sự chia rẽ giữa các chính phủ giàu có bị hạn chế bởi ngân sách trong nước eo hẹp và các quốc gia đang phát triển đang phải "vật lộn" với chi phí ngày càng tăng do bão, lũ lụt và hạn hán.

Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP29) diễn ra từ ngày 11 – 22/11 tại Baku - Ảnh: COP29

Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP29) diễn ra từ ngày 11 – 22/11 tại Baku - Ảnh: COP29

Tại hội nghị, các quốc gia cũng nhất trí về các quy tắc cho một thị trường toàn cầu để mua bán tín chỉ carbon, mở đường cho hoạt động giao dịch song phương “mặt hàng” đặc biệt này, kỳ vọng có thể hút hàng tỷ USD vào các dự án ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất, từ tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.

Theo Reuters, tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án giảm phát thải, như trồng cây hoặc xây dựng các trang trại điện gió. Nỗ lực này có thể được triển khai ở các quốc gia đang phát triển cho phép mỗi tấn khí thải được loại bỏ hoặc giảm bớt đều được chuyển thành tín chỉ, mà các quốc gia hoặc doanh nghiệp có thể mua lại để đạt mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Các quốc gia đang tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Mục tiêu này nhằm làm giảm các tác động "thảm khốc" về khí hậu có thể xảy ra nếu vượt qua mức tăng nhiệt độ toàn cầu đặt ra.

Theo báo cáo "Khoảng cách phát thải của Liên Hợp Quốc năm 2024", thế giới hiện đang trên đà nóng hơn tới 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này, với lượng khí thải nhà kính toàn cầu và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng.

Thỏa thuận mới nhất đặt ra mục tiêu chung hướng đến con số lớn hơn mức hỗ trợ 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm để ứng phó với nhiệt độ tăng cao và thảm họa khí hậu, nhưng phần lớn sẽ đến từ các nguồn tư nhân.

Việc đảm bảo thỏa thuận đã là một thách thức

Những người biểu tình ôn hòa phản đối dự thảo thỏa thuận tại COP29, ở Baku, Azerbaijan ngày 22/11/2024 - Ảnh: Reuters

Những người biểu tình ôn hòa phản đối dự thảo thỏa thuận tại COP29, ở Baku, Azerbaijan ngày 22/11/2024 - Ảnh: Reuters

Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào đầu tháng này đã làm dấy lên nghi ngờ trong một số nhà đàm phán về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đóng góp vào bất kỳ mục tiêu tài chính khí hậu nào đã được thỏa thuận tại Baku.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 và ông là người hoài nghi về cả biến đổi khí hậu lẫn viện trợ nước ngoài. Ông Trump đã gọi biến đổi khí hậu là "một trò lừa bịp" và hứa sẽ một lần nữa loại Mỹ khỏi hợp tác khí hậu quốc tế, theo CNBC.

Các chính phủ phương Tây chứng kiến ​​tình trạng nóng lên toàn cầu đã "tụt xuống" danh sách các ưu tiên quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và xung đột mở rộng ở Trung Đông, cùng với lạm phát ngày càng tăng.

Cuộc chiến về tài chính cho các nước đang phát triển diễn ra trong một năm mà các nhà khoa học cho rằng sẽ là "năm nóng nhất trong lịch sử". Những tai ương về khí hậu đang chồng chất sau những đợt nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt trên diện rộng giết chết hàng nghìn người trên khắp Châu Phi, lở đất chết người chôn vùi các ngôi làng ở Châu Á và hạn hán ở Nam Mỹ khiến các con sông thu hẹp.

Trong khi đó, các nước phát triển cũng không nằm ngoại lệ. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở Valencia, Tây Ban Nha vào tháng trước khiến hơn 200 người thiệt mạng và cho đến nay, Mỹ đã ghi nhận 24 thảm họa liên quan đến khí hậu thiệt hại 24 tỷ USD, chỉ ít hơn 4 thảm họa so với năm ngoái. 

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNBC/Reuters/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý