Khám phá tác động của giấc ngủ đến não bộ của thanh thiếu niên

Thời lượng ngủ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động não bộ của thiếu niên

Chuyên gia chia sẻ cách giúp ngủ ngon hơn

Infographic: Tư thế ngủ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn như thế nào?

5 mùi hương giúp bạn có giấc ngủ ngon

"Du lịch ngủ" lên ngôi!

Cụ thể, nghiên cứu do nhóm của Giáo sư Barbara Sahakian tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cùng các nhà khoa học tại Đại học Fudan ở Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện, đã phân tích dữ liệu từ 3.222 thanh thiếu niên từ 9-14 tuổi tại Mỹ. Những người tham gia đã được quét não, thực hiện các bài kiểm tra nhận thức và theo dõi giấc ngủ bằng thiết bị đeo tay thông minh Fitbit.

Để đánh giá tác động của giấc ngủ, các nhà nghiên cứu đã chia những người tham gia thành ba nhóm dựa trên thói quen ngủ của họ:

  • Nhóm 1 (khoảng 39%): Đi ngủ muộn nhất, dậy sớm nhất, ngủ trung bình 7 giờ 10 phút mỗi đêm.
  • Nhóm 2 (khoảng 24%): Có thời lượng ngủ nhỉnh hơn một chút, trung bình 7 giờ 21 phút.
  • Nhóm 3 (khoảng 37%): Đi ngủ sớm nhất, ngủ lâu nhất và có nhịp tim khi ngủ thấp nhất, đạt trung bình 7 giờ 25 phút mỗi đêm.

Kết quả cho thấy mặc dù không có sự chênh lệch đáng kể về thành tích học tập nói chung, nhưng những người thuộc Nhóm 3 đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra nhận thức, bao gồm đọc, từ vựng, giải quyết vấn đề và các kỹ năng tinh thần khác. Nhóm 2 có điểm thấp hơn, và Nhóm 1 đạt điểm thấp nhất. Kết quả quét não cũng củng cố thêm những phát hiện này, những người thuộc Nhóm 3 có thể tích não lớn nhất và chức năng não bộ tốt nhất so với hai nhóm còn lại.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, ngay cả nhóm có thời gian ngủ tốt nhất (Nhóm 3) cũng chỉ đạt trung bình 7 giờ 25 phút, vẫn dưới mức khuyến nghị từ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm cho thanh thiếu niên 13-18 tuổi theo Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ.

Giáo sư Barbara Sahakian, chuyên gia tâm lý học thần kinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển nhận thức. Bà giải thích: “Chúng tôi cho rằng giấc ngủ thúc đẩy khả năng nhận thức tốt hơn, một phần là do chúng ta củng cố trí nhớ trong khi ngủ.”

Bà Sahakian bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận thấy những khác biệt nhỏ về giấc ngủ lại tạo ra tác động đáng kể đến vậy, cho thấy những khác biệt nhỏ về thời lượng giấc ngủ tích lũy theo thời gian sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong kết quả.

Đối với các thanh thiếu niên muốn cải thiện giấc ngủ và nâng cao năng lực tinh thần, Giáo sư Sahakian đưa ra lời khuyên nên tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn và tránh sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính vào buổi tối muộn.

Các chuyên gia khác cũng nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của não bộ đang phát triển đối với tình trạng thiếu ngủ. Giáo sư Colin Espie, chuyên gia y học giấc ngủ tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh), nhận định con người, đặc biệt là trong những năm phát triển quan trọng của tuổi thiếu niên, đặc biệt phụ thuộc vào giấc ngủ.

Ông Espie cảnh báo rằng việc đi ngủ muộn và ngủ ít hơn, kết hợp với việc phải dậy sớm vào ngày đi học, dẫn đến tình trạng "lệch múi giờ xã hội" khi thanh thiếu niên cố gắng ngủ bù vào cuối tuần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.

Cả ông Espie và Giáo sư Gareth Gaskell từ Đại học York (Canada) đều kêu gọi chú trọng hơn đến sức khỏe giấc ngủ trong giáo dục và xã hội. Ông Espie gợi ý đưa nội dung về sức khỏe giấc ngủ vào chương trình giáo dục cá nhân và xã hội ở trường trung học.

Giáo sư Gaskell cũng bày tỏ mong muốn có thêm các nghiên cứu can thiệp để tìm ra những cách đơn giản giúp thanh thiếu niên có kiểu ngủ không tối ưu, như điều chỉnh việc sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Nghiên cứu này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về vai trò thiết yếu của giấc ngủ đối với sự phát triển tối ưu của não bộ và trí tuệ ở thanh thiếu niên, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc giáo dục và hỗ trợ các em có được những thói quen ngủ lành mạnh.

 
Việt An (Theo theguardian.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thần kinh