Có chế độ dinh dưỡng tốt và tập thể dục sẽ giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương
7 cách giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương, gãy xương
6 cách để giảm nguy cơ loãng xương
Uống rượu bia và hút thuốc lá gây loãng xương sớm?
6 thói quen gây loãng xương, gãy xương
Loãng xương là gì?
Các mô xương liên tục được thay thế. Loãng xương xảy ra khi các tế bào xương mới không bù đắp được so với lượng tế bào xương cũ bị mất đi.
Ai cũng có nguy cơ bị loãng xương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á - đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh - là những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương.
Triệu chứng loãng xương
Thông thường, ở giai đoạn đầu, loãng xương không gây ra triệu chứng điển hình nào. Nhưng một khi xương đã bị suy yếu do loãng xương, bạn có thể có các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Đau lưng: Do một đốt sống bị gãy hoặc tổn thương.
- Thấp hơn so với trước đó.
- Thường hay khom lưng.
- Xương dễ bị gãy.
Loãng xương khiến cột sống bị suy yếu, gây khom lưng, gù lưng
Khi nào nên đi khám?
Nếu bạn bị mãn kinh sớm hoặc dùng thuốc corticosteroid vài tháng một lần, hoặc nếu bố mẹ bạn bị loãng xương, bạn nên đi khám.
Nguyên nhân gây loãng xương
Các mô xương luôn được đổi mới liên tục - các tế bào xương mới được tạo thành và tế bào xương cũ bị phá hủy. Khi còn trẻ, số lượng các tế bào xương mới sẽ nhiều hơn so với các tế bào xương cũ và khối lượng xương cũng tăng lên. Từ độ tuổi 20 trở đi, quá trình này chậm lại. Hầu hết mọi người đều đạt được khối lượng xương cao nhất ở độ tuổi 30. Khi già đi, các tế bào xương bị phá hủy nhiều hơn so với các tế bào xương mới. Nguy cơ bị loãng xương cũng sẽ phụ thuộc một phần vào khối lượng xương bạn đạt được khi còn trẻ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương gồm: Tuổi tác, chủng tộc, lối sống, các vấn đề sức khỏe và các phương pháp điều trị vấn đề sức khỏe đó.
Những nguy cơ gây loãng xương nằm ngoài tầm kiểm soát:
Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh loãng xương hơn nam giới.
Tuổi tác: Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng cao.
Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
Di truyền: Cha mẹ hoặc anh chị em bị loãng xương, đặc biệt là cha mẹ bị gãy xương hông, khiến bạn có nguy cơ cao bị loãng xương.
Kích thước khung xương: Người có khung xương nhỏ thường có nguy cơ cao bị loãng xương vì họ có khối lượng xương ít hơn khi có tuổi.
Hormone
Hormone trong cơ thể có liên quan đến bệnh loãng xương.
Hormone giới tính: Nồng độ hormone giới tính giảm có thể làm suy yếu xương. Giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ mãn kinh là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến loãng xương. Đàn ông cũng bị giảm dần nồng độ hormone testosterone khi có tuổi. Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới và phương pháp điều trị ung thư vú làm giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ - cả 2 đều làm tăng nguy cơ mất xương.
Các vấn đề về tuyến giáp: Hormone tuyến giáp tăng quá cao (tuyến giáp hoạt động quá mức, hoặc dùng thuốc nội tiết để điều trị bệnh tuyến giáp hoạt động kém) có thể dẫn đến mất xương.
Loãng xương cũng có liên quan đến tuyến cận giáp và tuyến thượng thận hoạt động quá mức.
Chế độ ăn uống
Thiếu dưỡng chất: Thiếu calci có thể dẫn đến loãng xương. Lượng calci trong cơ thể thấp làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ gãy xương.
Rối loạn ăn uống: Ăn kiêng, ăn ít gây thiếu cân - nguyên nhân làm tăng nguy cơ suy yếu xương.
Phẫu thuật ở đường tiêu hóa
Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hoặc phẫu thuật một phần ruột làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, chẳng hạn như calci.
Tác dụng phụ của thuốc
Dùng thuốc corticosteroid chẳng hạn như prednison và cortisone, gây ngăn cản quá trình tái tạo xương. Một số loại thuốc điều trị bệnh động kinh, trào ngược dạ dày, ung thư... cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.
Vấn đề sức khỏe
Mắc một số bệnh như bệnh celiac, viêm ruột, bệnh thận, bệnh gan, ung thư, lupus, viêm khớp dạng thấp, đa u tủy có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Lối sống
Những người lười vận động, ngồi nhiều có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người khác. Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Hút thuốc lá cũng góp phần làm cho xương yếu hơn.
Xem thêm: Biến chứng của loãng xương, điều trị và phòng ngừa loãng xương
Biến chứng của loãng xương
- Gãy xương, đặc biệt là gãy xương hông và cột sống.
- Đau lưng, gù lưng: Loãng xương làm suy yếu xương cột sống, dẫn đến đau lưng, giảm chiều cao, khom lưng, gù lưng.
Điều trị loãng xương thế nào?
Trước khi điều trị loãng xương, bác sỹ sẽ kiểm tra mật độ xương của bạn. Tùy thuộc vào nguy cơ gãy xương mà bác sỹ sẽ đề nghị các biện pháp điều trị loãng xương khác nhau:
- Thuốc điều trị loãng xương, như bisphosphonates.
- Liệu pháp hormone thay thế, dành riêng cho nam và nữ.
- Thuốc tái tạo xương, như Teriparatide (Forteo). Loại thuốc này tương tự như hormone tuyến cận giáp và kích thích sự phát triển xương mới.
Phòng ngừa loãng xương thế nào?
Có chế độ dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp xương chắc khỏe.
Bổ sung protein (chất đạm)
Protein là một trong những dưỡng chất giúp xây dựng xương. Người cao tuổi có thể không bổ sung đủ protein trong chế độ ăn uống. Nếu bạn lo lắng về lượng protein, bạn nên nói chuyện với bác sỹ hoặc chuyên gia về các sản phẩm thực phẩm bổ sung protein.
Giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh
Thiếu cân hoặc thừa cân đều làm tăng nguy cơ gãy xương. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh, bình thường là tốt nhất cho xương.
Bổ sung calci
Người từ 18 - 50 tuổi cần 1.000 miligam calci mỗi ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cần 1.200 miligam calci mỗi ngày.
Những thực phẩm giàu calci là: Sữa, rau lá xanh đậm, cá hồi, cá mòi, đậu nành, ngũ cốc được bổ sung thêm calci (ngũ cốc tăng cường). Nếu bạn cảm thấy chế độ ăn uống không có đủ lượng calci cần thiết, bạn nên xem xét bổ sung calci từ các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bạn nên hỏi bác sỹ, chuyên gia trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào, tránh bổ sung quá nhiều gây sỏi thận. Theo Phòng Y tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ (trước đây là Viện Y học), tổng lượng calci, từ các chất bổ sung và chế độ ăn uống kết hợp, không nên quá 2.000 miligam mỗi ngày cho người trên 50 tuổi.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D giúp tăng khả năng hấp thu calci và cải thiện sức khỏe của xương. Để có đủ vitamin D để duy trì xương chắc khỏe, người từ 51 - 70 tuổi nên bổ sung 600 đơn vị quốc tế (IU), người trên 70 tuổi nên bổ sung 800 IU mỗi ngày thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung. Hầu hết các sản phẩm vitamin tổng hợp chứa từ 600 đến 800 IU vitamin D.
Tập thể dục
Tập thể dục giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương.
Bình luận của bạn