Não - ruột có mối liên hệ mật thiết
Bệnh nướu răng và não bộ: Mối liên hệ là gì?
Hạn chế thịt đỏ để bảo vệ sức khỏe não bộ
Bệnh nướu răng có thể gây suy giảm chức năng não?
Sức khỏe não bộ ảnh hưởng đến hành vi ăn uống thế nào?
5 trò chơi giúp rèn luyện trí não dành cho người cao tuổi
Cách làm chậm sự lão hóa của não bộ
Trục ruột – não
Trục thần kinh ruột-não được ví như một cầu nối kỳ diệu có thể kết nối thế giới bên trong ruột với trung tâm điều khiển của cơ thể là não bộ. Con đường hai chiều này liên quan đến não bộ, bộ não thứ hai (hệ thần kinh ruột) và hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột, tạo thành một mạng lưới phức tạp điều chỉnh mọi hoạt động từ tiêu hóa đến tâm trạng và sức khỏe tổng thể.
Hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột, với hàng nghìn tỷ vi sinh vật là nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Các vi sinh vật này không chỉ giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn mà còn sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng như serotonin và acid gamma-aminobutyric (GABA), góp phần hỗ trợ cải thiện tâm trạng và khả năng nhận thức.
Khi hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, cơ thể và tâm trí sẽ gửi đi những tín hiệu báo động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức khỏe đường ruột kém không chỉ là nguyên nhân của các vấn đề tiêu hóa mà còn liên quan mật thiết đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, từ ung thư, tim mạch cho đến các rối loạn tâm thần như lo âu và trầm cảm.
Các hoạt động bên trong ruột, như việc kích hoạt hệ miễn dịch hay gây viêm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa mà còn tác động trực tiếp lên não bộ. Những thay đổi này có thể làm biến đổi cấu trúc và chức năng của não, từ đó chi phối hành vi và cảm xúc của chúng ta. Điều này lý giải tại sao người ta thường ví ruột như một "bộ não thứ hai".
Tác dụng của thiền định với sức khoẻ đường ruột
Các phương pháp thiền, từ thiền chánh niệm đến kỹ thuật thở sâu, được thiết kế để tạo ra trạng thái thư giãn và tập trung cao độ. Mặc dù có nguồn gốc từ các nền văn hóa phương Đông từ hàng nghìn năm trước, thiền hiện nay ngày càng được phổ biến rộng rãi ở phương Tây, với sự hỗ trợ của các ứng dụng như Headspace, Sadhguru và Mind, thu hút hàng trăm triệu người sử dụng.
Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe tâm thần, các hoạt động thiền còn gây ra những thay đổi sinh lý đáng kể, bao gồm giảm nhịp tim, hạ huyết áp, từ đó góp phần giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Căng thẳng được xem là một yếu tố khởi phát và làm trầm trọng thêm các rối loạn chức năng đường ruột, ảnh hưởng đến nhu động ruột, hàng rào bảo vệ và hệ vi sinh vật đường ruột. Qua cơ chế giảm căng thẳng, thiền có thể tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột bằng cách điều hòa các thay đổi sinh lý do căng thẳng gây ra. Cụ thể, thiền giúp phục hồi sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường chức năng hàng rào ruột và giảm viêm.

Thiền định giúp tâm trí, não bộ khoẻ mạnh. Khi não bộ khoẻ mạnh thì sức khoẻ đường ruột cũng sẽ cải thiện đáng kể.
Theo đó, nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học Tích hợp và Bổ sung (Journal of Integrative and Complementary Medicine) năm 2022 đã tập trung vào việc đánh giá tác động của phương pháp thiền Isha Meditation Samyana kéo dài 8 ngày đối với sức khỏe đường ruột, đặc biệt là hệ vi sinh vật và quá trình chuyển hóa lipid. Với sự tham gia của 64 tình nguyện viên, nghiên cứu đã khám phá những thay đổi sâu sắc trong thành phần lipid máu sau quá trình thiền. Kết quả cho thấy một sự gia tăng đáng kể các acylglycine, những phân tử có tác dụng chống viêm và giảm đau, đồng thời giảm các chất liên quan đến nguy cơ xơ vữa động mạch như glycerophosphocholine, glycerophosphoethanolamines, và cholesterol ester. Những phát hiện này gợi ý rằng thiền định nâng cao có thể tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột thông qua việc điều chỉnh quá trình chuyển hóa lipid.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu độc lập khác đã so sánh hệ vi sinh vật của các nhà sư Phật giáo Tây Tạng với những người dân địa phương. Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong thành phần vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể các loài Prevotella và Bacteroides ở nhóm nhà sư. Những khác biệt này đi kèm với tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến stress như lo âu, trầm cảm và tim mạch thấp hơn đáng kể.
Các nghiên cứu về các vị sư tu tập thiền định Phật giáo Tây Tạng trong thời gian dài cho thấy sự hiện diện của một hệ vi sinh đường ruột đặc biệt, có khả năng thúc đẩy các quá trình chống viêm và trao đổi chất hiệu quả hơn. Điều này đi kèm với việc giảm các dấu hiệu liên quan đến bệnh tim mạch.
Cuối cùng, căng thẳng mạn tính không chỉ tác động đến tâm lý mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ tiêu hóa. Cụ thể, nó làm rối loạn chức năng đường ruột, tăng tính thấm ruột và thay đổi hệ vi sinh vật có lợi, từ đó dẫn đến các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích (IBS) và viêm loét đại tràng (IBD). Để cải thiện sức khỏe đường ruột, việc quản lý căng thẳng là vô cùng quan trọng. Các phương pháp như thiền, yoga, và liệu pháp nhận thức hành vi đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm căng thẳng và cải thiện chức năng đường ruột.
Như vậy, mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể, đặc biệt giữa não và ruột là vô cùng mật thiết. Thiền định sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột. Đây sẽ là một phương pháp hứa hẹn trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh lý liên quan đến đường ruột.
Bình luận của bạn