4 nhóm thực phẩm, đồ uống làm tăng nguy cơ loãng xương

Đồ uống có cồn có thể làm giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương

Loãng xương: Biến chứng nguy hiểm do cường giáp

Dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương

6 cách giúp phụ nữ cải thiện mật độ xương sau mãn kinh

Vấn đề sức khỏe phụ nữ thường gặp sau tuổi 40 và cách kiểm soát

Đồ uống có cồn

Không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe gan, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn còn gây hại với sức khỏe xương. Theo TS Liz Matzkin – Khoa phẫu thuật xương, Bệnh viện Brigham and Women (Mỹ), uống nhiều rượu, bia cản trở khả năng hấp thụ một số vi chất cần thiết cho xương như calci, magne, vitamin D. Ngoài ra, đồ uống có cồn cũng làm chậm chu kỳ tái tạo xương.

TS Matzkin khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ suy giảm mật độ xương, không nên uống quá 1 đơn vị đồ uống có cồn/ngày. Người cao tuổi có nguy cơ gãy xương, loãng xương càng cần thận trọng hơn với rượu bia.

Thức uống chứa caffeine

Lạm dụng nước có gas ảnh hưởng tới sự chắc khỏe của xương

Lạm dụng nước có gas ảnh hưởng tới sự chắc khỏe của xương

Caffeine không chỉ có trong cà phê, mà còn là thành phần thường có trong nước tăng lực, soda, trà và một số loại thực phẩm bổ sung. Sử dụng quá nhiều đồ uống chứa caffeine làm tăng lượng calci mất đi qua nước tiểu cũng như giảm khả năng hấp thụ khoáng chất này. Cả hai yếu tố này đều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe xương.

So với trà và cà phê, thức uống có hại hơn cả là soda chứa nhiều đường và acid phosphoric. Kết hợp với caffeine, uống nhiều soda trong thời gian dài có thể làm giảm mật độ xương.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo, không nên sử dụng quá 400mg caffeine mỗi ngày (tương đương 4-5 cốc cà phê).

Cám lúa mì

Thực phẩm có hàm lượng phytate cao có thể gây cản trở việc hấp thụ calci của cơ thể

Thực phẩm có hàm lượng phytate cao có thể gây cản trở việc hấp thụ calci của cơ thể

Cám lúa mì là thực phẩm giàu chất xơ, được nhiều người sử dụng nhằm cải thiện tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, với hàm lượng phytate cao, ăn quá nhiều cám lúa mì có thể cản trở quá trình hấp thụ calci của cơ thể.

Phytate là một chất kháng dinh dưỡng thường có trong thực vật như hạt họ đậu, cải kale. Phytate có thể liên kết chặt chẽ với các nguyên tố khoáng như calci, magne, kẽm và các acid amino, hạn chế quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn.

Thay vì ăn kiêng thực phẩm chứa phytate, bạn nên sử dụng ở mức vừa phải, thực hiện các biện pháp ngâm nước, nấu chín, lên men hoặc trồng rau mầm (với hạt đậu) để giảm hàm lượng phytate.

Muối

Thói quen ăn mặn không chỉ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh về thận mà còn dễ gây ra suy giảm calci trong xương. Nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ phát hiện ra rằng, chế độ ăn nhiều muối làm tăng đáng kể nguy cơ loãng xương. Theo khuyến cáo, bạn không nên ăn quá 5gr muối mỗi ngày, tương đương 1 thìa cà phê.

 
Quỳnh Trang (Theo HuffPost)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp