Biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ

Phòng ngừa sa sút trí tuệ từ sớm nhờ điều chỉnh lối sống lành mạnh - Ảnh: Michigan Medicine

Ăn thịt đỏ chế biến sẵn tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ

Lý do bạn nên thêm cá mòi vào chế độ dinh dưỡng

Cách bài trí nhà cửa tạo sự thoải mái cho người sa sút trí tuệ

Ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Báo cáo của Ủy ban Lancet năm 2024 bổ sung mất thị lực và chỉ số cholesterol cao vào danh sách các yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Đây là hội đồng gồm các biên tập viên của tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet và 27 chuyên gia hàng đầu thế giới về sa sút trí tuệ.

Trước đó, năm 2020, tổ chức này đã chỉ ra 12 yếu tố làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ gồm: Trình độ học vấn thấp, suy giảm thính lực, tăng huyết áp, hút thuốc lá, béo phì, trầm cảm, ít vận động, đái tháo đường, lạm dụng đồ uống có cồn, chấn thương não, ô nhiễm không khí và cô đơn. Đây là nguyên nhân có liên quan tới 40% tổng số ca mắc sa sút trí tuệ trên toàn thế giới.

Trong báo cáo mới đây nhất, Ủy ban Lancet nhận định, tình trạng tăng cholesterol liên quan tới 9% trường hợp mắc sa sút trí tuệ, đặc biệt là tăng “cholesterol xấu” LDL từ năm 40 tuổi. 2% ca mắc sa sút trí tuệ là do tình trạng người cao tuổi mất thị lực nhưng không được điều trị.

Kiểm soát LDL cholesterol không chỉ giúp phòng ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch mà còn giúp phòng ngừa sa sút trí tuệ

Kiểm soát LDL cholesterol không chỉ giúp phòng ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch mà còn giúp phòng ngừa sa sút trí tuệ

Theo đó, kiểm soát tốt cả 14 yếu tố nguy cơ có thể thay đổi nói trên ngay từ tuổi thơ ấu giúp phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển gần 50% số ca mắc chứng sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, đây còn là biện pháp giúp tăng tuổi thọ trung bình toàn cầu.

Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, ước tính đến năm 2050, số bệnh nhân chung sống với chứng sa sút trí tuệ sẽ tăng gấp 3 lần, với 153 triệu ca mắc. Căn bệnh này gây ra gánh nặng y tế - xã hội ước tính trên 1.000 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng không tránh khỏi xu hướng này.

Ủy ban Lancet kêu gọi các quốc gia lẫn người dân tích cực điều chỉnh lối sống để góp phần ngăn ngừa và kiểm soát tốt chứng sa sút trí tuệ. GS. Gill Livingston – Đại học College London (Vương quốc Anh), tác giả chính của báo cáo nhận định: “Các chính phủ phải giảm bất bình đẳng bằng cách tạo điều kiện cho tất cả mọi người được tiếp cận với lối sống lành mạnh”. Dưới đây là 13 khuyến cáo giúp phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ:

- Đảm bảo tất cả trẻ em được hưởng nền giáo dục chất lượng tốt; Đến tuổi trung niên cần tích cực hoạt động nhận thức.  

- Cung cấp thiết bị trợ thính cho người suy giảm thính lực; Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn có hại.

- Tầm soát bệnh mỡ máu, điều trị tình trạng LDL cholesterol cao ở tuổi trung niên (khoảng 40 tuổi).

- Tầm soát và điều trị những vấn đề liên quan đến thị lực.

- Điều trị chứng trầm cảm.

- Đội mũ bảo hiểm và thiết bị bảo hộ khi chơi thể thao, đi xe đạp, xe máy.

- Ưu tiên thiết lập môi trường cộng đồng và nhà ở hỗ trợ để tăng cường giao tiếp xã hội.

- Các quốc gia đưa ra chính sách bảo vệ môi trường để người dân hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

- Triển khai thêm các biện pháp giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

- Giảm lượng đường và muối trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn tại các nhà hàng.

GS. Livingston giải thích: “Lối sống lành mạnh với thói quen tập thể dục đều đặn, kiêng thuốc lá rượu bia, và tích cực sử dụng não bộ ở tuổi trung niên không chỉ giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, mà còn có thể đẩy lùi thời gian khởi phát.”  

 
Quỳnh Trang (Theo Scitech Daily)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già