- Chuyên đề:
- Kinh nghiệm nuôi con
Uống đủ nước giúp trẻ đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt
Suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em: Cần khẩn trương giải quyết
Tư vấn trực tuyến: Giải pháp bảo vệ hệ hô hấp của trẻ trước dịch Adenovirus
Trẻ em nhiễm COVID-19 làm gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 1
Làm rõ lý do thiếu vaccine sởi và DPT tiêm cho trẻ em
Nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng nước ngọt thường xuyên có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng như nguy cơ béo phì ở trẻ nhỏ. Đây có thể là yếu tố dẫn tới những vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, đái tháo đường khi đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn có thói quen cho trẻ từ 4-9 tuổi sử dụng nước ngọt ít nhất 1 lần/tuần.
Ngay từ sớm, cha mẹ nên giúp con hình thành thói quen sử dụng đồ uống, nước giải khát tốt cho sức khỏe:
Thức uống có thể dùng hàng ngày
Nước lọc
Nước lọc là lựa chọn hàng đầu để giúp trẻ làm dịu cơn khát. Trẻ em có nhu cầu nước không kém người lớn, đây là thành phần cần thiết cho hàng loạt chức năng của cơ thể. Nước lọc không chứa calorie, thậm chí còn giảm nguy cơ táo bón và nhiễm trùng đường tiểu – 2 căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ.
Nếu trẻ lười hoặc không hứng thú với nước lọc, cha mẹ có thể thêm một số hương vị tự nhiên như lá sả, trái cây tươi ngâm cùng nước. Mùi vị thoáng qua khiến nước dễ uống hơn, mà không lo chứa đường hay ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi trẻ đi học hoặc đi chơi, cha mẹ nên chuẩn bị bình nước cá nhân cho con mang theo. Nhờ đó, bé sẽ nhớ uống nước và tránh xa những thức uống kém lành mạnh khác.
Sữa
Sữa tươi (sữa nguyên chất) cung cấp calci, vitamin D và protein - những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bên cạnh một chế độ ăn cân bằng, Viện Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo trẻ trên 3 tuổi uống khoảng 300-400ml sữa mỗi ngày.
Nếu bé nhà bạn mắc chứng không dung nạp lactose (đường tự nhiên có trong sữa động vật), cha mẹ có thể cho trẻ uống sữa đậu nành, sữa hạt đã qua tiệt trùng và không chứa đường phụ gia. Các sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp bổ sung calci là lựa chọn phù hợp để thay thế sữa tươi.
Thức uống chỉ nên dùng 1-2 lần/tuần
Sữa có vị
Những loại sữa có bổ sung hương vị như sữa hương vị chocolate, hương dâu… thường sẽ có lượng đường cao hơn, có thể lên tới 5gr/100ml so với sữa nguyên chất. Dù trẻ yêu thích sữa có hương vị đến đâu, cha mẹ cũng nên hạn chế tần suất cho trẻ sử dụng đồ uống này. Bạn có thể pha loãng sữa có vị với sữa nguyên chất để giảm độ ngọt của sản phẩm.
Nước ép hoa quả tươi
Tuy nước ép hoa quả tươi có chứa một số vitamin và dưỡng chất, việc ăn trái cây trực tiếp vẫn là lựa chọn tốt hơn. Nước ép mất đi chất xơ hòa tan và một vài vi chất, đồng thời thường chứa nhiều đường hơn việc ăn cả quả. Cha mẹ nên khuyến khích bé ăn trái cây tươi hàng ngày, và chỉ thỉnh thoảng mới thưởng thức nước ép tươi.
Thức uống cần hạn chế
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, lượng đường tự do (free sugar) tiêu thụ trong một ngày nên ở mức thấp hơn 10% lượng calo tiêu thụ trong một ngày, tốt hơn là nên dưới 5%. Theo nhu cầu khuyến nghị nhu cầu năng lượng cho người dân Việt Nam, lượng đường tự do nên hạn chế tiêu thụ trong một ngày với trẻ em là 12,5 – 25gr/ngày (tương đường 6 thìa cà phê đường).
Phụ huynh cần tránh cho trẻ sử dụng đồ uống chứa nhiều đường phụ gia: Nước có gas, đồ uống tăng lực, đồ uống đóng gói sẵn… Ngoài hàm lượng đường cao, chúng còn chứa chất tạo màu, hương vị nhân tạo, đường hóa học và caffeine.
Bình luận của bạn