Dinh dưỡng khoa học cho người cao tuổi

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe

Bí quyết làm chậm giai đoạn tiền mãn kinh

Mách bạn bí quyết trẻ lâu, chậm già

Yoga có phải là bí quyết sống thọ?

Lợi ích của mô hình chăm sóc người cao tuổi bán trú

Lợi ích của dinh dưỡng khoa học

Lão hóa là một quá trình tự nhiên mà ai cũng phải trải qua theo thời gian. Tuy nhiên, khi tuổi tác gia tăng, cơ thể con người gặp phải những thay đổi về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Các chức năng của tế bào, mô và cơ quan suy giảm, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính và các vấn đề dinh dưỡng. Điều này khiến người cao tuổi dễ gặp phải các tình trạng như suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, vi chất dinh dưỡng và giảm khối cơ. Chính vì vậy, dinh dưỡng khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.

Dinh dưỡng khoa học không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, loãng xương. Một chế độ ăn uống hợp lý còn giúp tăng cường sức khỏe, duy trì xương chắc khỏe, cải thiện trí nhớ và hỗ trợ hệ miễn dịch. Quan trọng hơn, nó giúp người cao tuổi có giấc ngủ ngon, cải thiện năng lượng và nâng cao tâm trạng, mang lại một cuộc sống tích cực hơn. 

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người cao tuổi

Để duy trì sức khỏe, người cao tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng sau:

- Ăn đa dạng thực phẩm: Bổ sung đủ 4 nhóm chất chính: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Đảm bảo đủ nước: Người cao tuổi cần uống từ 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc, nước hoa quả, canh, súp.

Nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

Nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn quá nhiều trong một bữa, việc chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.

Hướng dẫn chi tiết nhóm thực phẩm

- Nhóm tinh bột

Người cao tuổi nên ăn khoảng 10-12 đơn vị tinh bột mỗi ngày. Một đơn vị tinh bột có thể tương đương với 50g cơm, 76g bún hoặc 88g khoai. Ưu tiên các thực phẩm nguyên cám như gạo lứt và bánh mì đen thay vì các thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt.

Người cao tuổi cũng nên hạn chế tiêu thụ đường, tối đa 5 đơn vị/ngày, tương đương với khoảng 25g đường.

- Nhóm đạm

Người cao tuổi cần khoảng 3-4 đơn vị đạm mỗi ngày. Một đơn vị đạm có thể tương đương với 25g thịt lợn, 26g cá, 27g thịt gà, 47g trứng hoặc 52g đậu phụ. Nguồn đạm nên được kết hợp từ cả động vật (thịt, cá, trứng) và thực vật (đậu, đỗ, hạt).

Cá, đặc biệt là các loại cá giàu omega-3 như cá thu, cá hồi, cá cơm...nên được tiêu thụ từ 3-5 lần mỗi tuần để giúp bảo vệ não bộ. Ngoài ra, sữa là một nguồn cung cấp đạm và calci quan trọng. Người cao tuổi nên sử dụng 4 đơn vị sữa mỗi ngày, có thể tương đương với 100ml sữa tươi, 100g sữa chua hoặc 15g phô mai.

- Nhóm chất béo

Người cao tuổi nên tiêu thụ khoảng 5-6 đơn vị chất béo mỗi ngày. Một đơn vị chất béo có thể tương đương với 5g dầu ăn, 5g mỡ lợn, 6g bơ hoặc 11g lạc.

Ưu tiên dầu thực vật và mỡ cá, đồng thời hạn chế mỡ động vật như da gà, da vịt và các nội tạng động vật. Chế độ ăn nhiều chất béo lành mạnh giúp hỗ trợ hệ tim mạch và duy trì sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi.

Mọi người nên ưu tiên bổ sung các chất béo lành mạnh

Mọi người nên ưu tiên bổ sung các chất béo lành mạnh

- Nhóm rau xanh và quả chín

Rau xanh và quả chín cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Người cao tuổi nên ăn 3-4 đơn vị rau mỗi ngày, có thể tương đương với 80g rau xanh hoặc 84g cà chua. Mỗi ngày cũng nên tiêu thụ từ 2-3 đơn vị quả chín, có thể tương đương với 105g chuối, 91g táo hoặc 80g bưởi. Những thực phẩm này giúp cung cấp vitamin C và các chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh tật.

Một số lưu ý trong ăn uống cho người cao tuổi

- Ăn chậm và nhai kỹ: Việc nhai kỹ giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn, giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng.

- Hạn chế muối và đồ chế biến sẵn: Nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm như mì tôm, đồ hộp, dưa muối, vì chúng có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận.

- Ăn cùng gia đình: Việc ăn uống trong không khí gia đình không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn tạo ra một không gian vui vẻ, ấm cúng cho người cao tuổi.

- Kết hợp lối sống lành mạnh: Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi cần duy trì một lối sống lành mạnh với các hoạt động thể dục vừa phải mỗi ngày. Tập thể dục không chỉ giúp duy trì sức khỏe thể chất mà còn giúp tinh thần luôn tươi trẻ, giảm stress và lo âu.

Tham gia các hoạt động xã hội và giữ tâm trạng lạc quan cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống để có một cơ thể khỏe mạnh và hạnh phúc.

 
Đào Dung (Theo Bệnh viện Lão khoa Trung ương)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già