Chế độ ăn bảo vệ sức khỏe con người và cả Trái Đất

Lựa chọn thực phẩm lành mạnh có thể kéo dài tuổi thọ của con người, đồng thời bảo vệ hành tinh

Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm

Ăn gì để da, tóc và móng khỏe đẹp?

Chế độ ăn uống cân bằng tốt cho sức khỏe tâm thần và não bộ

Ngoài gạo lứt, còn ngũ cốc nguyên hạt nào tốt cho sức khỏe?

Đây là kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ (The American Journal of Clinical Nutrition). Theo đó, các nhà khoa học đến từ Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan đã phát triển Chỉ số Chế độ ăn Sức khỏe Hành tinh (PHDI) để đánh giá chế độ ăn dựa theo khuyến cáo của Báo cáo EAT-Lancet (liên minh gồm 37 nhà dinh dưỡng học, sinh thái học và các chuyên gia) năm 2019.

Cụ thể, mô hình chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và sự bền vững của hành tinh ưu tiên ăn đa dạng các sản phẩm từ thực vật ít qua chế biến, cho phép ăn một lượng nhỏ thịt và chế phẩm từ sữa.

Đã có nhiều báo cáo khoa học về lợi ích của chế độ ăn ưu tiên thực vật so với chế độ ăn có sử dụng thực phẩm từ động vật. Tuy nhiên, đa số đều không theo dõi hiệu quả trong thời gian dài, đặc biệt là trong vòng 34 năm như nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan.

Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ hơn 200.000 người tham gia không có bệnh lý nền khi bắt đầu nghiên cứu. Cứ 4 năm 1 lần, họ được yêu cầu hoàn thành bảng hỏi về chế độ ăn uống. Sau đó, chế độ ăn của người tham gia được chấm điểm dựa trên 15 nhóm thực phẩm (như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, thịt gia cầm, các loại hạt) để đánh giá mức độ tuân thủ chế độ ăn thân thiện với hành tinh.

Minh họa chế độ ăn Sức khỏe Hành tinh (Planetary Health Diet) theo khuyến cáo của EAT-Lancet

Minh họa chế độ ăn Sức khỏe Hành tinh (Planetary Health Diet) theo khuyến cáo của EAT-Lancet

Kết quả cho thấy, nhóm 10% người tham gia tuân thủ nghiêm ngặt nhất có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 30% so với nhóm cuối bảng. Tỷ lệ tử vong do bất cứ nguyên nhân nào như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh phổi… đều giảm đáng kể.

Ngoài ra, những người thực hiện chế độ ăn lành mạnh và bền vững cũng gây ra ít tác động với môi trường: Giảm 51% diện tích đất canh tác, 29% phát thải khí nhà kính và 21% nhu cầu sử dụng phân bón.

GS. Walter Willett, chuyên gia dịch tễ học và dinh dưỡng, đồng thời là tác giả liên hệ của nghiên cứu cho biết, hệ thống thực phẩm (gồm các quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ thực phẩm) đóng góp một phần không nhỏ đến khủng hoảng khí hậu hiện nay.

“Thay đổi chế độ ăn có thể giúp làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Thực phẩm tốt nhất cho hành tinh cũng là những thực phẩm lành mạnh nhất với con người”, GS. Willett nhận định. Hơn nữa, ăn uống lành mạnh còn giúp bảo vệ môi trường bền vững – yếu tố cần thiết cho sức khỏe và an sinh của mọi con người trên hành tinh này.

Theo báo cáo của EAT-Lancet, hoạt động nông nghiệp sử dụng gần 40% diện tích đất toàn cầu, 70% lượng nước ngọt và sản sinh ra gần 30% tổng phát thải khí nhà kính. Trong đó, sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật, đặc biệt là thịt đỏ, tạo ra tác động tiêu cực với môi trường, thậm chí làm suy giảm đa dạng sinh học.

Theo nhóm nghiên cứu, giảm diện tích đất canh tác tạo điều kiện cho quá trình tái trồng rừng. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp giảm phát thải khí nhà kính – tác nhân thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.

Toàn thế giới có hơn 820 triệu người đang gặp nạn đói, trong đó hơn 150 triệu trẻ em bị chậm lớn và chậm phát triển do không có đủ lương thực. Song song với đó là nạn béo phì ở nhiều quốc gia, với hơn 2 tỷ người trưởng thành thừa cân, gây ra gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư, tim mạch.

Trước nghịch lý này, EAT-Lancet đã đề xuất một chế độ ăn tốt cho con người lẫn hành tinh: Rau củ quả chiếm một nửa khẩu phần ăn; Một nửa còn lại ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thực vật (các loại đậu), dầu thực vật không chứa chất béo bão hòa, một lượng nhỏ thịt và sữa, đường phụ gia...

 
Quỳnh Trang (Theo hsph.harvard.edu)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng