Một vài thói quen khiến bạn lúc nào cũng thiếu năng lượng

Nguyên nhân nào khiến bạn thiếu hụt năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần?

Chào ngày mới tràn đầy năng lượng với pudding hạt chia

Có nên uống cà phê trước khi chạy?

7 thói quen buổi sáng có thể thay đổi cuộc sống của bạn

Tự làm món ăn nhẹ lành mạnh giúp tăng năng lượng trong ngày

Ăn tối quá no và thức khuya

Khi cơ thể rơi vào trạng thái thiếu năng lượng, hiệu quả học tập, làm việc sẽ giảm đi rất nhiều. Buổi chiều là khoảng thời gian mà cơ thể bắt đầu trì trệ, đặc biệt là từ sau 15h.

Theo BS Mary Valvano – bác sỹ cấp cứu tại hệ thống BetterNowMD (Mỹ), thường xuyên thiếu hụt năng lượng có thể do thói quen ăn sáng và ăn trưa quá ít. Do bận rộn, nhiều người chọn bữa tối làm bữa ăn chính, đầy đặn và nhiều chất nhất trong ngày. Tuy nhiên, ăn quá no vào buổi tối có thể ảnh hưởng tới đường huyết và mức năng lượng của cơ thể trong ngày hôm sau.

Ngoài ra, ăn tối quá no cũng cản trở giấc ngủ của bạn. Tình trạng thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân khiến năng lượng nhanh "tuột dốc", cơ thể mệt mỏi và uể oải.

BS Valvano lý giải, các tế bào trong cơ thể chuyển hóa thực phẩm tùy thuộc vào thời gian trong ngày. Khi bạn ăn no vào bữa trưa và bữa sáng, cơ thể sẽ có nhiều năng lượng hơn trong suốt ngày dài. Nếu bạn nhận thấy mức năng lượng của mình luôn "cạn đáy", hãy thay đổi thói quen ăn tối muộn và thức quá khuya.

Lạm dụng nước tăng lực

Tác dụng phụ khi dùng quá nhiều nước tăng lực là tình trạng năng lượng sụt giảm nhanh chóng

"Tác dụng phụ" khi dùng quá nhiều nước tăng lực là tình trạng năng lượng sụt giảm nhanh chóng

Khi năng lượng tụt xuống thấp, nhiều người tìm đến nước tăng lực như một cách tăng năng lượng ngay tức thì. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng nước tăng lực quá thường xuyên gây nguy hiểm với sức khỏe tim mạch và não bộ.

Lượng đường cao có thể gây ra hiện tượng viêm, làm tăng huyết áp và nhiều tác hại khác. Thanh thiếu niên thường xuyên uống nước tăng lực lại dễ thiếu năng lượng với nguy cơ rối loạn giấc ngủ, học tập kém và hiệu suất kém. 

Thay vì dùng nước tăng lực, bạn có thể dùng trà (đặc biệt là trà xanh và trà đen), cà phê. nghiên cứu cho thấy, caffeine giúp di chuyển một loại protein gọi là p27 tới các ty thể - bào quan sản sinh năng lượng cho tế bào. Tuy nhiên, nên sử dụng ở mức điều độ, không quá 400mg caffeine mỗi ngày (tương đương khoảng 4 cốc cà phê).

Lười vận động

Người có lối sống thụ động cũng thường có mức năng lượng nhanh cạn kiệt. Hoạt động thể chất đều đặn giúp cải thiện lưu thông máu và oxy tới não bộ cũng như cơ bắp, giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và giàu sức sống hơn. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên cố gắng tập thể dục ở mức độ trung bình 30 phút mỗi ngày, với các hình thức như: Đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội.

Chế độ ăn không lành mạnh

Thực phẩm chứa quá nhiều đường không thể giúp duy trì năng lượng ổn định lâu dài

Thực phẩm chứa quá nhiều đường không thể giúp duy trì năng lượng ổn định lâu dài

Nhóm thực phẩm có thể làm sụt giảm năng lượng là món ăn nhiều đường. Chúng khiến lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh, kích hoạt cơ thể giải phóng quá nhiều insulin. Năng lượng tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh, hậu quả là khiến bạn cảm thấy uể oải, mệt mỏi.

Để duy trì mức năng lượng ổn định cho cả ngày, bạn nên ăn những thực phẩm toàn phần giàu dinh dưỡng như: Rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein.

Stress kéo dài

Căng thẳng, áp lực kéo dài ảnh hưởng đến chúng ta về cả thể chất, tinh thần, cảm xúc. Mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ liên tục có thể là dấu hiệu cơ thể đang gặp phải stress. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể tìm đến các biện pháp thư giãn lành mạnh như tập thở, thiền định, yoga… để cải thiện năng lượng tích cực.

Theo Harvard Health, nếu tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng kéo dài hơn 1-2 tuần, bạn nên trao đổi với bác sỹ để tìm ra nguyên nhân chính xác. Một số bệnh lý như cường giáp, suy giáp, rối loạn giấc ngủ… có thể dẫn tới hiện tượng này.

 
Quỳnh Trang (Theo HuffPost)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp