Nguyên nhân nào khiến bạn ăn nhiều khó kiểm soát?

Thường xuyên cảm thấy thèm ăn và ăn nhiều hơn mức bình thường ảnh hưởng xấu tới cân nặng

Podcast: Ăn uống thế nào để giảm cân mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ?

7 nhóm thực phẩm giúp giữ trái tim khỏe mạnh

5 sai lầm thường gặp khi bổ sung protein

3 thay đổi trong chế độ ăn uống giúp kiểm soát cholesterol cao

Theo chuyên gia tâm lý, bác sĩ Susan Albers – Hệ thống y tế Cleveland (Mỹ), tình trạng ăn uống quá nhiều, vượt ngưỡng no của bản thân khác với chứng ăn vô độ. Ăn vô độ là một loại rối loạn ăn uống nghiêm trọng, trong đó người mắc thường xuyên tiêu thụ một lượng thức ăn lớn bất thường và cảm thấy không thể ngừng ăn. Trong khi đó, tình trạng ăn quá nhiều xảy ra khi bạn ăn nhiều hơn thường ngày do bữa cơm có những món ngon; Hoặc ăn vặt khi không đói.

Tuy nhiên, thói quen này diễn ra thường xuyên có thể do cảm xúc chi phối hoặc một số yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày. Bạn cần thay đổi sớm để tránh tăng cân, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi và hạn chế các vấn đề tiêu hóa khác.

Một số nguyên nhân khiến bạn ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết gồm:

Bạn có nguồn thực phẩm sẵn có

Hạn chế dự trữ những thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường

Hạn chế dự trữ những thực phẩm kém lành mạnh như đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường

Nhiều gia đình luôn có tủ lạnh đầy ắp thực phẩm và hàng loạt món ăn vặt sẵn sàng thỏa mãn cơn đói bất cứ khi nào. Đây có thể là yếu tố khiến bạn “đầu hàng” cơn thèm và ăn nhiều hơn bình thường.

BS. Albers khuyến cáo, để bỏ thói quen này, ngay từ khi mua sắm thực phẩm, bạn nên viết ra danh sách và hạn chế mua thức ăn một cách bốc đồng. Khi sắp xếp tủ lạnh, bạn nên đặt thực phẩm lành mạnh ở phía trước. Khi đó, bạn có thể đưa ra những lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn khi ăn vặt.

Ăn theo cảm xúc

Ăn uống theo cảm xúc là hành vi tìm đến thức ăn để kìm hãm hoặc xoa dịu những cảm xúc từ tiêu cực (stress, giận dữ, buồn chán) tới hạnh phúc (ăn nhiều hơn trong các bữa tiệc mừng). BS. Albers khuyên bạn nên dừng lại trước khi ăn để tự hỏi bản thân: Mình ăn vì đói hay do cảm xúc chi phối?

Nếu bạn thấy mình lên cơn thèm ăn do “buồn miệng”, khi ngồi xem TV, hãy thử đi bộ, đổi vị trí ngồi hoặc uống nước lạnh để đẩy lùi tâm trạng buồn chán.

Khẩu phần ăn lớn và có quá nhiều lựa chọn

Vì không muốn lãng phí thức ăn, mà đôi khi chúng ta cố gắng ăn cho hết thực phẩm còn lại trên đĩa. Dù ở nhà hàng hay khi ăn tại nhà, hành động này đều củng cố thói quen ăn quá nhiều.

BS. Albers gợi ý, khi ăn ở nhà hàng, bạn nên dành thời gian nhìn qua thực đơn trước khi ăn, gọi theo nhu cầu của bản thân. Bạn cũng nên đánh giá mức độ no của mình, tránh bị cuốn theo mọi người xung quanh. Để lại một chút thức ăn thừa trên đĩa là hoàn toàn bình thường.

Khi đi ăn tại nhà hàng buffet, bạn nên dành thời gian dạo khắp các quầy, cân nhắc những món nên ăn nhất và chỉ lấy lượng thức ăn nhỏ để thử được nhiều món.

Ăn không chú tâm

Xem điện thoại trong khi dùng bữa khiến mọi người tiêu thụ nhiều calo hơn

Xem điện thoại trong khi dùng bữa khiến mọi người tiêu thụ nhiều calo hơn

Việc vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, xem phim khiến bạn không kiểm soát được lượng thực phẩm cũng như cảm giác no đói của mình. Khi đó, bạn dễ dàng ăn quá nhu cầu cần thiết, đồng thời cũng không cảm nhận được vị ngon cũng như thỏa mãn sau khi ăn.

Để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, BS. Albers khuyên bạn tắt TV, cất điện thoại khi ngồi xuống bàn ăn. Nếu có thói quen ăn vặt tại phòng khách, bạn nên cố gắng chuyển địa điểm tới nhà bếp để không bị phân tâm khi ăn.

Ăn không đúng bữa

Việc nhịn ăn để làm cho xong việc, hoặc ăn không đúng bữa khiến bạn đói hơn, đường huyết hạ thấp, đồng thời còn có cảm giác bực bội. Các yếu tố này khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn. Người đang ăn kiêng kham khổ cũng dễ có nguy cơ ăn quá nhiều vào bữa tối do phải nhịn đói cả ngày.

Bạn nên cố gắng ăn đủ các bữa chính, có thể thêm các bữa phụ lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng như protein, chất xơ để giữ đường huyết ổn định.

Ăn do thiếu ngủ, uể oải

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe, đồng thời điều hòa các hormone kiểm soát cảm giác no (leptin) và cảm giác đói (ghrelin). Chỉ thiếu ngủ 1 tiếng cũng có thể khiến bạn thèm ăn hơn bình thường, đặc biệt là những thực phẩm nhiều đường và chất béo.

Để hạn chế tình trạng ăn quá nhiều, bạn hãy bắt đầu bằng cách cải thiện giấc ngủ, cố gắng đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ 7-9 tiếng/đêm. Uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, giải tỏa căng thẳng… cũng góp phần giúp bạn sinh hoạt lành mạnh, ổn định các hormone và cơn thèm ăn.

 
Quỳnh Trang (Theo Cleveland Clinic)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp