Vận động thể chất, ăn uống lành mạnh giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe
Podcast: Vận động dưỡng sinh an toàn trong ngày trời lạnh
Vì sao người già bị đứt dây chằng đầu gối?
Suy thận ở người già nghiêm trọng như thế nào?
Người già bị run nhiều ở tay có nguy hiểm không?
Nếu khi còn trẻ, bạn có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động một cách nhanh nhẹn, hoạt bát. Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi trung niên hay cao hơn, bạn sẽ nhận ra cơ thể không còn hoạt động như trước nữa. Ví dụ, sau tuổi 50, quá trình lão hóa khiến xương của bạn trở nên yếu dần, dễ loãng xương và gãy xương hơn.
Dù vậy, vẫn có những thói quen mà người cao tuổi có thể thực hiện để giảm bớt sự can thiệp của lão hóa tới sức khỏe. Sau đây là 6 lời khuyên của các bác sĩ về những điều người cao tuổi nên thực hiện.
1. Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất quan trọng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là khi bạn già đi. Nó giúp duy trì khả năng vận động và giảm nguy cơ loãng xương đáng kể.
“Điều này đơn giản chỉ là đi bộ sau bữa ăn và kết hợp với các bài tập đơn giản như squat, lunges, hay các động tác đẩy tay,” bác sĩ Carl Paige, Giám đốc Y khoa và đồng sáng lập Trung tâm Chuyển đổi Y tế tại Louisville, Kentucky (Mỹ) chia sẻ.
Bác sĩ Eric Tam, bác sĩ tại Mighty Health (Mỹ) cho biết, một trong những cách tốt nhất để vận động là tập thể dục kháng lực. “Trong kế hoạch thực hành của tôi, tôi nói với nhiều bệnh nhân rằng tôi không muốn họ trở thành người tập thể hình, nhưng tôi muốn họ nâng tạ với mức độ mà họ cảm thấy khó khăn,” bác sĩ Tam nói. "Mục đích là thông qua việc rèn luyện sức bền, chúng ta có thể rèn luyện cơ bắp, hạn chế sự mất cơ do lão hóa gây ra."
Nếu bạn không thích nâng tạ, hãy tìm các bài tập mà bạn yêu thích như đạp xe, bơi lội, yoga hay pilates, bác sĩ Tam khuyên.
2. Rèn luyện trí não
Năm 2024, Hiệp hội Alzheimer Mỹ ước tính có khoảng 6,9 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đang sống chung với bệnh Alzheimer. Mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng có một số thói quen giúp giảm nguy cơ và trì hoãn sự phát triển của bệnh.
“Bạn cần rèn luyện trí óc mỗi ngày để duy trì sự minh mẫn. Bạn có thể thực hiện bằng cách giải các câu đố chữ, đọc sách báo hoặc cố gắng nhớ lại điều gì đó,” bác sĩ Steve Fallek, bác sĩ và cố vấn y tế cho Maskad và Revivv (Mỹ) cho biết. “Hãy nghĩ về một album cũ mà bạn từng sở hữu. Bạn có thể nhớ được danh sách bài hát không? Lời bài hát? Tất cả các album của họ? Bất cứ điều gì thử thách trí não và trí nhớ của bạn đều tốt.”
Bạn cũng có thể học một ngôn ngữ mới hay chơi một nhạc cụ, kết giao một người bạn mới. Sự mới mẻ cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện sức khỏe người cao tuổi.
3. Duy trì các mối quan hệ xã hội
Năm 2023, Tổng Giám đốc Y tế Mỹ đã bày tỏ lo ngại về “đại dịch cô đơn” đang diễn ra trên toàn quốc. Con người là một thực thể tự nhiên mang đặc tính xã hội, do vậy, những việc có sự tương tác xã hội lành mạnh đều rất quan trọng với sức khỏe tinh thần, đặc biệt với người cao tuổi.
“Thường thì khi chúng ta già đi, chúng ta có xu hướng giao tiếp ít hơn, một phần là do những hạn chế về sức khỏe thể chất,” bác sĩ Faisal Tai, bác sĩ tâm thần, người sáng lập PsychPlus (Mỹ) chia sẻ.
“Người cao tuổi nên có ít nhất một cuộc trò chuyện xã hội tích cực mỗi ngày. Dù đó là một lần thăm hỏi hàng xóm, trò chuyện với nhân viên thu ngân ở cửa hàng tạp hóa hay gọi điện thoại với các cháu hoặc bạn bè”, bác sĩ Tai khuyên.
4. Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe và tình trạng này có thể tồi tệ hơn theo tuổi tác.
“Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tim mạch khi bạn già đi. Do vậy, điều quan trọng là tìm cách để giảm căng thẳng mỗi ngày. Bạn có thể dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, tìm những điều mang lại sự bình yên và làm những việc mà bạn yêu thích”, bác sĩ Laura Purdy, bác sĩ gia đình được chứng nhận cho biết.
5. Khám sức khỏe định kỳ
Theo bác sĩ Sulagna Misra, bác sĩ nội khoa tại California (Mỹ) cho biết, lão hóa là một điều tất yếu. Điều quan trọng là bạn nên chú ý đến cơ thể và đảm bảo đi khám sức khỏe đúng lịch.
“Mặc dù phòng ngừa rất quan trọng, nhưng phát hiện sớm cũng rất cần thiết đối với bất kỳ bệnh tật nào” bác sĩ Misra nói. “Khám mắt, chụp Xquang tuyến vú, xét nghiệm tuyến tiền liệt, nội soi đại tràng, tiêm vaccine theo độ tuổi, tái khám định kỳ, khám da và các xét nghiệm khác như cholesterol và sức khỏe tim mạch thật sự rất quan trọng.”
6. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Khi già đi, thay vì tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên tập trung bổ sung các thực phẩm lành mạnh, giàu giá trị dinh dưỡng và áp dụng chế độ ăn cân bằng.
“Bạn nên chọn những thực phẩm như trái cây và rau quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo không lành mạnh, đồng thời hạn chế lượng muối và đường,” bác sĩ Nadim Geloo, Giám đốc cao cấp về các vấn đề y tế tại Abbott’s Structural Heart Business (Mỹ) khuyên.
Bác sĩ Geloo nhấn mạnh: “Có thể bạn khó thay đổi ngay lập tức, vì vậy bạn có thể thay đổi từng yếu tố trong chế độ ăn một cách từ từ với mục tiêu dài hạn là loại bỏ các thực phẩm có hại.”
Bình luận của bạn