- Chuyên đề:
- Cải thiện trí nhớ
Biện pháp phòng ngừa sa sút trí tuệ bắt đầu từ chế độ ăn uống lành mạnh
Lượng rau củ ăn mỗi ngày giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
Biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ
Ăn thịt đỏ chế biến sẵn tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ
Lý do bạn nên thêm cá mòi vào chế độ dinh dưỡng
Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Đây là bệnh phổ biến trong các hội chứng sa sút trí tuệ gây suy giảm trí nhớ và nhiều trở ngại cho cuộc sống thường ngày của người cao tuổi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Rush (Mỹ), chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên nguyên lý Địa Trung Hải và chế độ ăn kiểm soát huyết áp có thể giúp phòng ngừa Alzheimer hiệu quả, giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh.
Cụ thể, bạn cần bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau lá xanh đậm, các loại hạt, quả mọng, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và dầu olive. Đồng thời, dưới đây là 5 nhóm thực phẩm kém lành mạnh, cần cắt giảm để bảo vệ sức khỏe não bộ:
Đồ ăn nhanh và đồ chiên rán: Ăn không quá 1 lần/tuần
Các món chiên rán ngập dầu và thức ăn nhanh thường chứa hàm lượng muối và chất béo rất cao. Theo TS Oliver Shannon – giảng viên dinh dưỡng và lão hóa tại Đại học Newcastle (Vương quốc Anh), hàm lượng muối cao làm tăng chỉ số huyết áp và tác động tiêu cực tới sức khỏe não bộ. Các mạch máu trong não bị tổn thương, từ đó dẫn tới cản trở lưu thông máu tới não và dẫn tới sa sút trí tuệ não mạch.
Ngoài ra, đồ ăn nhanh cung cấp lượng calo lớn, góp phần gây tăng cân. Người béo phì có nguy cơ tăng huyết áp cao gấp 2-3 lần. Kết hợp với thói quen lười vận động, đây là điều kiện dẫn tới Alzheimer và sa sút trí tuệ khi về già.
Phô mai: Ăn không quá 1 lần/tuần
Các món ăn từ phô mai béo ngậy, hấp dẫn cũng không nên ăn quá thường xuyên. Phô mai chứa hàm lượng cao chất béo bão hòa: Một miếng phô mai cỡ bao diêm đã có 7gr chất béo bão hòa. Theo khuyến nghị, người trưởng thành không nên ăn quá 30gr chất béo bão hòa mỗi ngày.
Tuy chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa thói quen ăn phô mai và sức khỏe não bộ, TS Shannon vẫn khuyến cáo bạn nên ăn khẩu phần hợp lý, tránh nạp vào quá nhiều calo từ phô mai.
Thịt đỏ: Ăn không quá 4 bữa/tuần
Thói quen ăn quá nhiều thịt đỏ có thể để lại hậu quả tiêu cực với não bộ trong tương lai. TS. Shannon cảnh báo, người ăn nhiều thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích có nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ như Alzheimer trong tương lai. Thịt hộp và pate cũng được xếp vào nhóm này.
Theo lý giải của chuyên gia, nhiều nghiên cứu cho thấy ăn thịt chế biến sẵn kéo theo bệnh lý tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường. Đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn tới sa sút trí tuệ.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh khuyến nghị, giới hạn dành cho món thịt đỏ, thịt chế biến sẵn là không quá 70gr/ngày. Bạn có thể thay nguồn chất đạm này bằng thịt trắng, cá hoặc các loại đậu.
Bánh kẹo ngọt: Không quá 5 lần/tuần
Tin buồn cho những người hảo ngọt, ăn thực phẩm chứa nhiều đường trong thời gian dài dễ gây tăng cân và làm đường huyết tăng cao liên tục. Hai yếu tố này góp phần dẫn tới sa sút trí tuệ. TS. Shannon khuyến nghị không ăn quá 5 khẩu phần đồ ngọt mỗi tuần (một khẩu phần tương đương 1 chiếc bánh sừng bò hoặc 5 viên chocolate).
Đường không chỉ có trong bánh ngọt, chocolate mà còn “ẩn nấp” trong các loại thức uống giải khát. Người uống từ 2 thức uống có đường trở lên mỗi ngày có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 30% so với người không uống nước ngọt.
Bơ: Không quá 1 thìa canh/ngày
Tương tự đồ chiên rán, bơ làm từ sữa chứa nhiều chất béo bão hòa và giàu calo. Chỉ một thìa canh bơ (tương đương 14gr) cung cấp 100 calo và 7gr chất béo bão hòa. Thông thường khi chế biến bít tết hoặc bánh mì phết bơ, chúng ta sẽ sử dụng nhiều hơn một thìa canh.
Ăn nhiều bơ làm tăng chỉ số cholesterol trong máu, về lâu dài gây hại tới mạch máu và não bộ, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Thay vì dùng bơ, TS. Shannon gợi ý bạn nên nấu ăn với dầu olive chứa nhiều chất béo không bão hòa.
Bình luận của bạn