Cách lựa chọn thực phẩm giàu probiotics

Cơ thể nhận được nhiều lợi ích khi bạn ăn đủ lượng probiotics

Sai lầm thường gặp sử dụng probiotics

Những lầm tưởng thường gặp về hệ tiêu hóa (Phần 2)

Công thức bữa sáng nhanh với smoothie giàu protein cực tốt cho sức khỏe

Probiotics và prebiotics: Bạn có biết sự khác biệt giữa chúng?

Lợi ích của probiotics

Môi trường trong hệ tiêu hóa của bạn có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn. Để có đường ruột khỏe mạnh, bạn cần duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật rất đa dạng tại đây.

Probiotics là các lợi khuẩn giúp sản sinh một số vitamin, hoặc giúp bạn hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, bổ sung probiotics giúp hỗ trợ đẩy lùi táo bón, tiêu chảy, thậm chí có tiềm năng giúp kiểm soát stress và lo âu.

Probiotics có nhiều tác động tích cực với sức khỏe và hệ tiêu hóa

Probiotics có nhiều tác động tích cực với sức khỏe và hệ tiêu hóa

Probiotics có trong thực phẩm chức năng và một số thực phẩm lên men (ví dụ như đồ muối chua, sữa chua, kombucha). Nghiên cứu năm 2021 tại Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy, ăn khoảng 6 khẩu phần đồ lên men mỗi ngày trong vòng 10 tuần giúp cải thiện độ đa dạng vi sinh vật đường ruột. Nồng độ các dấu hiệu viêm có liên quan tới stress, đái tháo đường type 2 và viêm khớp dạng thấp cũng giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, không phải thực phẩm lên men nào cũng có chứa đủ lượng lợi khuẩn để đem lại lợi ích sức khỏe. Ví dụ, nhiệt độ cao có thể giết chết lợi khuẩn, nên trong bánh mì lên men tự nhiên (sourdough) không có lợi khuẩn sống. Rượu và bia tuy được lên men nhưng rất ít khả năng còn chứa các men sống.

Lựa chọn thực phẩm giàu probiotics thế nào?

Thêm sữa chua vào bữa sáng hàng ngày để bổ sung probiotics vào chế độ ăn

Thêm sữa chua vào bữa sáng hàng ngày để bổ sung probiotics vào chế độ ăn

Chia sẻ với Today, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Samantha Cassetty cho hay, các thực phẩm giàu probiotics mà cô đánh giá cao nhất gồm: Sữa chua ít đường, nấm sữa kefir, bắp cải và dưa muối (loại bảo quản lạnh, chưa tiệt trùng), trà kombucha, kim chi, tương đậu miso, đậu phụ nén tempeh. Ngoài ra, phô mai tươi làm từ men sống và chưa tiệt trùng như phô mai Thụy Sỹ, provolone, cheddar cũng giữ được hàm lượng cao các lợi khuẩn sống.

Để bổ sung những thực phẩm giàu probiotics trên vào chế độ ăn hàng ngày, bạn có thể tham khảo các gợi ý sau:

  • Thêm sữa chua ít đường vào bữa sáng: Ăn cùng trái cây và các loại hạt, ăn kèm bánh mì, yến mạch hoặc xay sinh tố.
  • Ăn nhẹ trong ngày với sữa chua uống, nấm sữa kefir hoặc phô mai tươi chứa men sống.
  • Dùng bắp cải muối như món ăn kèm với bánh mì kẹp, hoặc món ăn giải ngấy.
  • Uống trà kombucha loại chứa ít đường.

Thực phẩm giàu probiotics có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, người đang gặp các vấn đề về dạ dày, hoặc không dung nạp đồ muối chua, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để tìm được sản phẩm bổ sung probiotics (men vi sinh, cốm vi sinh) phù hợp.

Ngoài biện pháp tăng cường ăn thực phẩm giàu lợi khuẩn, bạn cũng cần ăn đa dạng các rau củ quả giàu chất xơ; Vận động thường xuyên; Ngủ đủ giấc và kiểm soát stress. Đây là chiến lược toàn diện giúp bạn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

 
Quỳnh Trang (Theo Today)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng