10 vấn đề sức khỏe làm bạn khó giảm cân

Khó giảm cân có thể do một số bệnh lý tiềm ẩn

4 thói quen buổi sáng giúp tuyến giáp khỏe mạnh

Bệnh bạch biến và giải pháp cải thiện bệnh từ thảo dược

Phân biệt giảm cân và giảm mỡ

5 lợi ích sức khỏe khi ăn ức gà

1. Suy giáp

Suy giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, gây thiếu hụt hormone tuyến giáp. Điều này có thể khiến cơ thể khó kiểm soát quá trình trao đổi chất, dẫn đến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.

Các triệu chứng của suy giáp gồm mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, táo bón và khô da. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này và không giảm được cân (mặc dù đã thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh hơn hoặc tập thể dục thường xuyên hơn), bạn nên thăm khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị.

2. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Đây là một rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh được đặc trưng bởi sự hiện diện của nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng, gây mất cân bằng nội tiết tố và dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản, trao đổi chất và tăng cân.

Các triệu chứng PCOS gồm kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, lông mọc nhiều và khó giảm cân. Phụ nữ mắc PCOS cũng có thể bị trầm cảm hoặc lo âu do các triệu chứng này. Tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống như tập thể dục và thói quen ăn uống lành mạnh, sẽ giúp kiểm soát nhiều triệu chứng.

3. Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing là một rối loạn nội tiết tố hiếm gặp, do nồng độ hormone cortisol trong cơ thể cao bất thường. Cortisol cao có thể gây tăng cân, đặc biệt thấy rõ ở mặt, cổ và bụng. Hội chứng này thường liên quan đến việc dùng một số loại thuốc, như corticosteroid, hoặc có khối u tuyến thượng thận.

Các triệu chứng của Cushing gồm thay đổi về kết cấu da (da mỏng đi), da dễ bị bầm tím, trầm cảm hoặc lo âu và khó giảm cân. Việc điều trị thường liên quan đến giảm nồng độ cortisol thông qua thuốc hoặc phẫu thuật.

4. Đái tháo đường

Đây là một bệnh mạn tính ngăn cơ thể sản xuất hoặc sử dụng insulin đúng cách. Nếu không có đủ insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì được sử dụng để tạo năng lượng.

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường gồm khát nước và đi tiểu nhiều, mệt mỏi, mờ mắt, vết thương chậm lành. Người bệnh kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống (chế độ ăn uống và tập thể dục) cũng như dùng thuốc. Trong một số trường hợp, có thể cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.

5. Béo phì

Béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Các yếu tố như di truyền, thiếu hoạt động thể chất và thói quen ăn uống không lành mạnh có thể gây béo phì. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường type 2.

Béo phì khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn do một số yếu tố: Khả năng chống lại giảm cân của cơ thể, mất cân bằng nội tiết tố và tăng cảm giác thèm ăn. Để cải thiện, người béo phì cần thay đổi thói quen lối sống để ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

6. Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ. Xảy ra có thể do thừa cân, có amidan hay adenoids lớn hoặc một số vấn đề khác làm tắc nghẽn đường thở.

Các triệu chứng gồm ngáy to, giấc ngủ bị xáo trộn và đau đầu vào buổi sáng. Đặc biệt, sự mất cân bằng nội tiết tố do chứng ngưng thở khi ngủ có thể cản trở mục tiêu giảm cân của bạn, cũng như gây ra sự mệt mỏi nhiều vào ban ngày - gián tiếp ảnh hưởng đến việc tập thể dục và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.

7. Trầm cảm

Người bệnh trầm cảm cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

Người bệnh trầm cảm cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

Trầm cảm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, trong đó có thói quen ăn uống và tập thể dục. Người bị trầm cảm thường khó ngủ, thiếu năng lượng và mất động lực, nên có thể sẽ không tập thể dục hoặc ăn uống lành mạnh.

Hơn nữa, những người bị trầm cảm có khả năng ăn nhiều thực phẩm mang lại cảm giác thoải mái - comfort food (như đồ ăn nhanh, nhiều calo, đường...) dẫn đến tăng cân. Người bệnh trầm cảm cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

8. Hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường type 2, bệnh tim... Hội chứng này có liên quan đến lối sống không lành mạnh và thừa cân hoặc béo phì, gây các triệu chứng như tăng huyết áp, cholesterol cao và mỡ bụng dư thừa.

Để cải thiện hội chứng chuyển hóa, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục, kết hợp tuân thủ điều trị để kiểm soát các triệu chứng.

9. Các vấn đề về đường tiêu hóa

Các vấn đề như hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Crohn với tình trạng viêm mạn tính, đau bụng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giảm cân của bạn. Khi đó, bạn nên thăm khám bác sĩ để được đánh giá và điều trị, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống giúp kiểm soát các triệu chứng và thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

10. Suy giảm tuyến sinh dục

Xảy khi các tuyến sinh sản không sản xuất đủ hormone, phổ biến hơn ở nam giới và thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 30-50. Tình trạng này có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và khiến bạn khó giảm cân hơn.

Các triệu chứng của suy giảm tuyến sinh dục gồm mệt mỏi, mất khối lượng cơ, rối loạn cương dương, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng hoặc hành vi. Việc điều trị thường gồm dùng hormone theo toa hoặc liệu pháp testosterone thay thế.

 
Nguyễn Thanh (Theo MSN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp