Thực phẩm được ăn theo trình tự này sẽ giúp kiểm soát đường huyết

Sắp xếp thứ tự ăn các món ăn trong bữa có thể mang lại một số lợi ích cho sức khoẻ

Ăn đúng, sống vui!

Bí quyết sống thọ của người Nhật trong bữa ăn

Podcast: Đi bộ sau bữa ăn tối có tốt không?

Thực phẩm chức năng không thay thế bữa ăn hàng ngày

Theo chuyên gia dinh dưỡng Jessica Hernandez từ Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Ohio (Mỹ), một trình tự ăn uống khoa học và dễ áp dụng đặc biệt hữu ích cho việc kiểm soát đường huyết. Trình tự này bao gồm ba bước chính:

Bước 1: Bắt đầu với rau xanh hoặc chất xơ.

Nên ưu tiên các loại rau không chứa tinh bột như rau lá xanh, bông cải xanh hoặc dưa chuột. Việc ăn rau trước tiên có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột.

Bước 2: Tiếp theo với protein và chất béo lành mạnh.

Sau khi đã ăn rau, bạn có thể chuyển sang các nguồn protein và chất béo tốt như thịt gà, cá, đậu phụ, trứng, dầu olive hoặc quả bơ. Tương tự như chất xơ, protein và chất béo cũng góp phần ổn định đường huyết, đồng thời tạo cảm giác no lâu hơn, hỗ trợ quá trình kiểm soát cân nặng.

Bước 3: Kết thúc bữa ăn với carbohydrate.

Cuối cùng, bạn có thể ăn các loại carbohydrate như cơm, bánh mì, mì ống hoặc hoa quả. Việc ăn chúng sau cùng giúp giảm nguy cơ lượng đường trong máu tăng cao sau bữa ăn.

Ăn theo trình tự này mang lại lợi ích gì?

Việc lên kế hoạch cho bữa ăn mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt trong việc kiểm soát đường huyết. Sau mỗi bữa ăn, lượng đường trong máu thường có xu hướng tăng lên. Cơ thể sẽ tiết ra hormone insulin giúp dự trữ glucose từ thực phẩm. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh đái tháo đường, quá trình này diễn ra kém hiệu quả. Tình trạng đường huyết cao kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các bệnh tim mạch và thận.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều rau xanh để ổn định đường huyết và bảo vệ sức khoẻ tim mạch.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều rau xanh để ổn định đường huyết và bảo vệ sức khoẻ tim mạch.

Đây có phải xu hướng chăm sóc sức khoẻ mới không?

Theo chuyên gia dinh dưỡng Jessie Inchauspé (Pháp), tuy bà không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này, nhưng bà tích cực khuyến khích việc ăn các loại thực phẩm theo một "trình tự nhất định" để giúp kiểm soát tình trạng đường huyết tăng đột ngột sau bữa ăn, vốn có thể gây ra các vấn đề như sương mù não và đầy hơi. Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, Inchauspé đã góp phần biến việc sắp xếp bữa ăn trở thành một xu hướng chăm sóc sức khỏe được nhiều người biết đến.

Để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp này, một số người đã sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục tại nhà. Thông thường, sau bữa ăn khoảng 2 tiếng, mức đường huyết của người không mắc bệnh đái tháo đường nên duy trì dưới 140 mg/dL.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các yếu tố như căng thẳng, tuổi tác và hoạt động thể chất cũng có thể tác động đến lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, các thiết bị theo dõi đường huyết chủ yếu được thiết kế cho người bệnh tiểu đường và kết quả đo đôi khi có thể không hoàn toàn chính xác.

Có nên thử lập một trình tự cho bữa ăn không?

Thứ tự các món ăn trong bữa không phải là quy tắc chung cho tất cả mọi người. Nếu bạn quá lo lắng về việc tuân thủ một trình tự ăn uống hoàn hảo, điều này có thể là dấu hiệu của rối loạn ăn uống. Nếu muốn thử áp dụng phương pháp sắp xếp thứ tự bữa ăn, điều quan trọng cần lưu ý là không nên xem đây là giải pháp thay thế cho các biện pháp kiểm soát bệnh đái tháo đường khác.

Đối với những người không mắc đái tháo đường, việc ăn rau trước có thể giúp họ ăn nhiều rau hơn hoặc cảm thấy no nhanh hơn. Một số chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh, mặc dù việc sắp xếp trình tự món ăn trong bữa có thể mang lại lợi ích sức khỏe, nhưng đây không phải là một “chiến lược” chắc chắn mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người.

 
Hà Chi (Theo VeryWellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng