Trà gừng là loại đồ uống tốt cho sức khỏe nhưng cần thưởng thức đúng lúc
6 thức trà giúp giảm cơn đau trong ngày "đèn đỏ"
Lợi ích của 3 loại trà thảo mộc đối với sức khỏe
7 loại trà giúp bạn xoa dịu căng thẳng tự nhiên
Cải thiện mất ngủ bằng trà thảo dược
Gừng là vị thuốc dân gian được nền y học nhiều quốc gia sử dụng cả ngàn năm qua. Những lợi ích sức khỏe của gừng đang tiếp tục được y học hiện đại nghiên cứu, đặc biệt là nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa, chống viêm dồi dào.
Trà gừng là cách phổ biến nhất để tận dụng các lợi ích sức khỏe của gia vị này. Bạn có thể dùng gừng tươi hoặc gừng bột (dạng túi lọc) hãm cùng nước nóng 10 phút. Hương vị cay nồng và các hoạt chất có lợi trong gừng sẽ tạo nên thức trà thơm với hàng loạt công dụng sau:
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Gừng chứa vitamin C, vitamin B6 cùng nhiều vi chất như magne, kali, đồng, mangan. Khi thưởng thức trà gừng, bạn có thể bổ sung nước cùng một lượng nhỏ dưỡng chất cho cơ thể.
Thức uống chống viêm
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong gừng chứa nhiều hoạt chất có thể giảm hiện tượng viêm, ức chế các cytokine tiền viêm trong cơ thể. Gừng cho thấy tiềm năng hỗ trợ cải thiện cơn đau ở người bị thoái hóa khớp – tình trạng rối loạn mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp.
Kiểm soát cơn buồn nôn
Một vài nghiên cứu cho thấy, trà gừng giúp giảm buồn nôn hiệu quả mà không tốn kém, đặc biệt khi bạn bị buồn nôn do cảm lạnh, say tàu xe. Gừng còn có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn mửa ở phụ nữ trong những tháng đầu mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn bị buồn nôn do bệnh lý, sau gây mê phẫu thuật hoặc do ốm nghén, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp tốt nhất.
Hỗ trợ tiêu hóa
Trà gừng có thể sử dụng để cải thiện hoạt động của đường ruột, giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh chóng hơn. Nhâm nhi trà gừng cũng giúp tiết ra nước bọt, dịch mật và dịch vị giúp cải thiện quá trình tiêu hóa.
Cần lưu ý, trà gừng có thể gây ra các tác dụng phụ như đầy bụng, đau dạ dày ở người vốn gặp các bệnh lý nền về tiêu hóa.
Giảm đau bụng kinh
Nếu bạn thích dùng đồ uống ấm mỗi khi "đến tháng", hãy thưởng thức trà gừng. Một nghiên cứu tổng quan dựa trên 6 thí nghiệm khác nhau cho thấy, hiệu quả giảm đau bụng kinh của trà gừng không khác biệt nhiều so với thuốc giảm đau nhóm NSAID (như aspirin, ibuprofen).
Những lợi ích tiềm năng với quá trình chuyển hóa
Theo TS Kantha Shelke – giảng viên cao cấp tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tác dụng sinh nhiệt của gừng có thể ứng dụng vào các sản phẩm hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu cho thấy, gừng có thể kiểm soát béo phì bằng một số cơ chế như: Kiểm soát cơn thèm ăn, ngăn ngừa hấp thu chất béo tại ruột non, kích thích tốc độ chuyển hóa của cơ thể.
Trước đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy, gừng giúp kiểm soát cholesterol, hỗ trợ ổn định đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 2.
Bảo vệ trí não
Tình trạng stress oxy hóa có thể gây tổn thương tế bào tại não, góp phần thúc đẩy tình trạng thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson. Các nghiên cứu cho thấy, đặc tính chống oxy hóa, chống viêm của gừng có thể hỗ trợ kiểm soát stress oxy hóa, giảm các dấu ấn viêm.
Khi nào không nên dùng trà gừng?
Trà gừng tốt cho sức khỏe là vậy, tuy nhiên, thức uống này không phù hợp với tất cả mọi người. Trà gừng có thể tương tác với thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp, làm tăng nguy cơ chảy máu khó kiểm soát. Người đang bị sỏi túi mật, đái tháo đường, phụ nữ mang thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thưởng thức trà gừng.
Trà gừng rất tốt đối với những người bị hạ huyết áp, nhưng người bệnh tăng huyết áp uống nước gừng cần phải thận trọng. Uống vào đúng thời điểm huyết áp đang lên cao có thể làm cường huyết áp, gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến.
Người đang bị kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc có vết loét đường tiêu hóa cũng cần tránh thức uống cay nóng như trà gừng.
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trà gừng đạt hiệu quả cao nhất khi uống vào mỗi sáng theo nguyên tắc uống một tuần, nghỉ một tuần. Những người nóng trong cơ thể không nên uống nước gừng khô hoặc gừng nướng vào buổi tối vì thức uống này sẽ làm nóng cơ thể, gây khó ngủ.
Bình luận của bạn