Cà phê và trà đều là những thức uống tuyệt vời để bắt đầu ngày mới cho bạn
Tại sao bạn nên thêm một số loại gia vị vào ly cà phê?
Uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch không?
Bỏ túi 5 mẹo sau để cốc cà phê của bạn thêm lành mạnh
Những đồ uống tăng cường năng lượng thay thế cà phê
Trên thực tế, cả trà và cà phê đều là những thức uống tốt cho sức khỏe, có thể giúp bạn bắt đầu ngày mới một cách năng động hơn, tỉnh táo hơn. Nếu bạn thích cả 2 loại thức uống, không có lý do gì bạn phải chọn món này hay món kia.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn chọn một loại thức uống để uống thường xuyên hơn, với mong muốn cải thiện sức khỏe tổng thể, có lẽ bạn nên xem xét tới một số yếu tố sau:
Hàm lượng caffeine
Trà thường chứa ít caffeine hơn cà phê. Theo Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 1 cốc cà phê 235ml được pha tại nhà thường chứa khoảng 92mg caffeine, trong khi cốc cà phê 355ml tại các quán cà phê có thể chứa từ 150 - 235mg caffeine. Trong khi đó, 1 cốc trà đen 235ml chỉ chứa khoảng 47mg caffeine, 1 cốc trà xanh 235ml chứa khoảng 29mg caffeine.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), việc bổ sung tối đa 400mg caffeine/ngày được coi là an toàn với hầu hết người trưởng thành, cũng như có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe. Theo đó, bổ sung caffeine có thể giúp tăng năng lượng, cải thiện khả năng tập trung. Đồng thời, chúng còn có thể giúp giảm nguy cơ trầm cảm, bệnh Parkinson, xơ gan, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều caffeine lại có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Chúng cũng có thể gây mất ngủ cho một số người, đặc biệt nếu họ thưởng thức các thức uống chứa caffeine quá muộn, gần giờ đi ngủ. Chưa kể, caffeine cũng là một chất kích thích có thể gây nghiện nếu dùng quá nhiều, quá thường xuyên.
Do hàm lượng caffeine cao, cà phê có thể cung cấp cho bạn năng lượng nhanh hơn. Tuy nhiên, trà có chứa L-theanine, một hoạt chất có thể kết hợp với caffeine và giúp bạn tỉnh táo lâu hơn.
Nói cách khác, một cốc cà phê có thể mang tới tác động mạnh và nhanh, nhưng trà có thể cung cấp năng lượng chậm hơn, ổn định hơn về lâu dài.
Hàm lượng các chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những chất giúp giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương tế bào trong cơ thể do các gốc tự do gây ra. Cụ thể gốc tự do là các phân tử trôi nổi được tạo ra khi tiêu hóa thức ăn, hoặc khi tiếp xúc với ô nhiễm, phóng xạ và các tác nhân gây căng thẳng khác.
Cà phê và trà chứa các chất chống oxy hóa khác nhau, nhưng cả 2 đều chứa các polyphenol. Lượng polyphenol tronng từng thức uống có thể khác nhau, tùy thuộc vào cách đồ uống được pha chế hoặc chuẩn bị.
Một nghiên cứu năm 2013 về cà phê, trà và các loại đồ uống có cồn (như rượu vang đỏ) lưu ý rằng: Cà phê espresso có khả năng chống oxy hóa cao nhất. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào năm 2022 về các đồ uống tương tự lại cho thấy trà xanh mới là thức uống chiến thắng trong hạng mục này.
Khả năng phòng ngừa bệnh tật
Do chứa nhiều chất chống oxy hóa, cả trà và cà phê đều có khả năng bảo vệ bạn khỏi nhiều bệnh tật. Theo đó, uống trà thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính như các bệnh tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường miệng và đường tiêu hóa.
Cà phê cũng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt khi đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng uống cà phê thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh lý thần kinh, bệnh gan, các hội chứng chuyển hóa. Uống nhiều cà phê cũng có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư nội mạc tử cung và ung thư da.
Tất nhiên, bạn không nên chỉ dựa vào trà hoặc cà phê để phòng bệnh. Tuy nhiên, chúng có thể là một phần hữu ích của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Tác dụng không mong muốn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống cà phê có thể dẫn tới một số biến chứng khi mang thai, ví dụ như sinh con nhẹ cân, tăng nguy cơ sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Theo đó, những nguy cơ này là do hàm lượng cao caffeine trong các thức uống, bao gồm cả trà và cà phê.
Các nhà khoa học Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên bổ sung quá 200mg caffeine/ngày (tương đương với lượng có trong khoảng 2 cốc cà phê). Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn vẫn nên hạn chế hoàn toàn các thức uống nhiều caffeine, hoặc chuyển sang uống cà phê de-caf khi đang mang thai.
Các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến mối liên hệ đáng chú ý giữa việc uống cà phê và nguy cơ gãy xương ở phụ nữ. Theo đó, nguy cơ này sẽ tăng lên khi người phụ nữ uống quá 4 cốc cà phê/ngày, đặc biệt là những người bị loãng xương.
Các tác dụng phụ phổ biến khác của việc bổ sung quá nhiều caffeine (từ bất kỳ nguồn nào) bao gồm bồn chồn và mất ngủ.
Những gia vị bạn thêm vào thức uống
Một điểm nữa bạn cần lưu ý là những thứ bạn chọn thêm vào ly trà hay cà phê của mình. Theo đó, đường, sữa, kem béo hay các chất tạo ngọt khác đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và lượng calorie tổng thể bạn nạp vào cơ thể, đặc biệt nếu bạn có thói quen uống trà hay cà phê hàng ngày.
Tạm kết: Cả trà và cà phê đều là những thức uống giúp tăng năng lượng, tốt cho sức khỏe nếu bạn uống chúng với lượng vừa phải. Căn cứ vào những thông tin trên, bạn có thể tự lựa chọn cho mình một thứ đồ uống thích hợp.
Bình luận của bạn