6 quan niệm sai lầm về giấc ngủ

Những quan niệm sai lầm về giấc ngủ có thể khiến bạn không có thói quen ngủ tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phải làm gì để giữ gìn sức khỏe khi làm ca đêm?

Làm sao để cải thiện tình trạng mất ngủ do căng thẳng?

Cách giúp bạn tỉnh táo sau một đêm mất ngủ

Tại sao bạn lại mất ngủ sau khi tập luyện?

Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm phổ biến về giấc ngủ:

Cơ thể có thể quen với việc thiếu ngủ

Nhiều người nghĩ rằng có thể "huấn luyện" cơ thể để ngủ ít hơn, nhưng đây là một quan niệm sai lầm. TS. Ian Katznelson, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Northwestern Medicine Lake Forest (Mỹ), khẳng định rằng dù bạn có thể tìm cách đối phó với việc thiếu ngủ, cơ thể vẫn phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực như suy giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng và giảm khả năng sáng tạo.

Ngủ càng nhiều càng tốt

Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều đều có hại cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, người lớn nên ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Ngủ quá 9 tiếng mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh hô hấp và đái tháo đường loại 2.

Tuy nhiên, TS. Fariha Abbasi-Feinberg từ Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ cho biết, vẫn chưa rõ liệu ngủ quá nhiều là nguyên nhân hay chỉ là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và cần ngủ nhiều hơn, hãy đến gặp chuyên gia để được tư vấn và kiểm tra các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ.

Ngủ bù vào cuối tuần

Nhiều người có thói quen "ngủ nướng" vào cuối tuần để bù lại những ngày thiếu ngủ. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hiệu quả. TS. Thomas Kilkenny, giám đốc của Viện Giấc ngủ tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island (Mỹ) giải thích rằng, việc ngủ nướng quá nhiều chỉ khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn của "nợ ngủ".

Thay vì ngủ bù, hãy tập trung vào việc ngủ đủ giấc mỗi đêm trong tuần. TS. Rebecca Robbins, trợ lý giáo sư tại Khoa Y học giấc ngủ tại Trường Y Harvard (Mỹ) gợi ý bạn nên điều chỉnh giờ đi ngủ sớm hơn 15 phút mỗi ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tỉnh giấc giữa đêm là dấu hiệu của giấc ngủ kém

Thức dậy vào ban đêm, chẳng hạn như lúc 3 giờ sáng để đi vệ sinh, là hiện tượng bình thường. TS. Jennifer Goldschmied, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania (Mỹ), giải thích rằng cơ thể trải qua nhiều giai đoạn giấc ngủ và có thể thức giấc ngắn giữa các giai đoạn. Tuy nhiên, nếu bạn trằn trọc mãi không ngủ lại được, hãy ra khỏi giường và tìm cách thư giãn. Đừng cố gắng ép mình phải ngủ, vì điều đó chỉ khiến bạn thêm căng thẳng.

Lo lắng vì cảm giác lờ đờ, uể oải sau khi thức dậy

Sau một giấc ngủ ngắn hoặc ngủ sâu, bạn có thể thức dậy cảm thấy choáng váng và mất phương hướng. Điều này có thể tạm thời làm suy giảm hiệu suất nhận thức của bạn hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một hiện tượng bình thường, được gọi là quán tính giấc ngủ. Thông thường, cảm giác này sẽ kéo dài từ 30 phút – 2 tiếng. Nếu bạn cảm thấy uể oải lâu hơn thời gian này, đặc biệt là khi thiếu ngủ, hãy cân nhắc đến việc thăm khám bác sĩ. Để giảm bớt cảm giác uể oải, bạn có thể đi dạo ngắn buổi sáng và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Ngủ ngáy là điều bình thường

Nhiều người nghĩ rằng ngáy khi ngủ là chuyện bình thường, nhưng thực tế không phải vậy. Ngáy to và thường xuyên có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí có thể gây nguy cơ dẫn đến tử vong do thiếu oxy quá mức. Tình trạng này thường gặp ở nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, người béo phì, người hút thuốc, người uống rượu và người lớn tuổi.

Bác sĩ Mehwish Sajid tại University of Michigan Health (Mỹ) cảnh báo rằng, nếu bạn có các triệu chứng như nghẹn thở, thở hổn hển hoặc thức giấc do ngáy, hãy đến khám bác sĩ để được đánh giá và điều trị kịp thời.

 
Việt An (Theo nytimes.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thần kinh